Một cái nhìn nôm na về Start-ups

Ngày bé, tôi thường phải tự giới thiệu là “Bố mẹ cháu người Việt, lớn lên ở Tiệp Khắc và hiện đang ở Mỹ với ba mẹ nuôi là người Do Thái gốc Nga.”

Đến giờ thì câu giới thiệu đã thành “Cháu là người làm thuê, điều hành một công ty nho nhỏ, làm sản phẩm startup trong một tập đoàn tương đối lớn”.

Vậy thì tôi tính ra là employee? Entreprenuer? Hay là Startup? Công ty của tôi hoạt động theo kiểu Corporate? Hay hừng hực lửa như các thanh niên khởi nghiệp?

Điều khó hiểu với tôi là nếu như bản thân tôi còn không định vị rõ được mình đang thuộc thư mục nào, vậy làm sao doanh nhân trẻ lại dễ dàng gắn cho mình cái những cái mác dễ dàng như vậy? Liệu có một định nghĩa rạch ròi nào về mô hình các doanh nghiệp hiện tại ở VN không?

Start up là gì?

Trong những năm  gần đây trên thế giới, và đặc biệt là 2-3 năm trở lại ở Việt Nam, chữ “startup” được báo giới và các bạn trẻ đặc biệt ưu ái. Nhà nhà làm startup và người người nhận mình là dân khởi nghiệp. Ở Mỹ, từ “startup” được gắn với các anh chàng quần đùi, áo phông, những văn phòng phá cách, IMac bày như lợn con, các phần mềm công nghệ sành điệu và các doanh nghiệp với chỉ số tăng trưởng không tưởng. Nhưng cái đó có thực là cốt lõi của các startup không? Nếu như vậy, thì các startup Việt Nam có khớp với mô tả chung đó?

Nói một cách đơn giản, bản thân chữ start up chỉ có ý nghĩa là “Một doanh nghiệp mới bắt đầu vận hành” – nhưng nói vậy thì thật không gợi cảm chút nào phải không ạ.

Một bài báo Tây từng định nghĩa “Startup là một công ty giải quyết một vấn đề của thị trường mà lời giải còn chưa được rõ ràng, và thành công thì bấp bênh.” Còn dân làm startup thì thường đưa ra một định nghĩa siêu hình hơn như:

  • Là một trạng thái tâm lí
  • Là giai đoạn đầu của vòng đời một doanh nghiệp khi entreprenuer  (business dictionary.com) đưa doanh nghiệp của mình từ giai đoạn ý tưởng tới phần cấu trúc tài chính, vạch ra cơ cấu cơ bản của mô hình kinh doanh, và bắt đầu vận hành hoặc bán hàng.

Nhưng có một điều có thể khẳng định – việc cốt lõi của khái niệm start up – đó là khả năng tăng trưởng đột phá. Đây chính là điểm khác biệt khi ta nhầm lẫn giữa các khái niệm khởi nghiêp khác nhau. Bạn mở một công ty in áo đồng phục với bè bạn, đủ để bạn kiếm được số tiền kha khá chia đều cho anh em, đó vẫn chưa tính là một start up. Nếu bạn là một doanh nghiệp bất động sản phát triển một mô hình nhà ở mới, với hơn 100 nhân sự thì sao? Bạn càng không phải là một start up.

Một quan niệm có phần không chính xác nữa là cứ là công ty làm trong ngành công nghệ, lập trình ứng dụng thì là startup. Việc các startup hiện nay thường làm về công nghệ, theo tôi là triệu chứng của một thế giới nghiện internet, cộng thêm mô hình nhân sự tương đối đơn giản, chi phí overhead không quá cao và ở giai đoạn đầu không đòi hỏi cấu trúc phức tạp khiến nó trở nên hấp dẫn với doanh nhân trẻ.

Startup ở Việt Nam

Ở nước ngoài, một startup chỉ có tuổi thọ trên dưới 3 năm – những cậu trai quần đùi áo phông đó rồi cũng có ngày khoác lên mình quần khaki, áo gile len Brooks brothers hay blazer của Banana Republic.

Vậy điều gì đã xảy ra? Công ty đó được mua lại bởi công ty lớn hơn, nhiều kinh nghiệm quản trị hơn, họ mở rộng office, doanh số họ tăng trưởng và cash flow đều đặn, bộ máy nhân sự phình to lên v.v…

Một thực tế đáng buồn là một khi start up bắt đầu kiếm ra tiền thì cũng chính là lúc họ “tốt nghiệp” lớp khởi nghiệp. Vậy chăng, các nhà khởi nghiệp đều xây dựng công ty của mình để rồi bán lại sản phẩm họ yêu thương như máu mủ? Nghe có vẻ không hợp lý nhưng dường như các con số nói lên chính điều đó.

Nhưng ở Việt Nam không phải vậy

Thị trường Việt Nam có một điều tuyệt vời là một doanh nghiệp dường như không bao giờ thoát khỏi giai đoạn dậy thì này (đây chính là vơ đũa cả nắm ạ). Bản thân tôi là minh chứng, startup của mình phải mất đến 6 năm ấp ủ ý tưởng, tìm người phụ hợp cho đến giờ mới gần đến ngày launch.

Có hai điều đặc biệt về thị trường Việt Nam.

Thứ nhất là sự thiếu thốn về các ‘bệ phóng’ cho các công ty startup trẻ – từ mentors, hiệp hội, hành lang pháp lý, truyền thông v.v… Điều này khiến cho tốc độ tộ tăng trưởng của các startup bị thiệt thòi ghê gớm so với cường quốc năm châu.

Thứ hai là sự dẻo dai bền bỉ của các startup. Nếu như các công ty ở Mỹ và các nhà khởi nghiệp Mỹ đánh giá doanh nghiệp dựa trên tốc độ tăng trưởng, khả năng kinh tế, scorecard sản phẩm – cách này tuy logic nhưng nếu áp đặt vào thị trường chúng ta thì có thể nói hầu như chả có dự án nào đủ qualify để sống sót và được đầu tư cả. Tuy nhiên nghèo mà vượt khó, startup ở Việt Nam thường rất bền bỉ trong cuộc cuộc sáng tạo của họ – tỷ như chúng tôi, nếu như Chủ tịch HĐQT của tôi dựa vào con số mà ra quyết định thì có lẽ chúng tôi đã bị cắt kinh phí từ lâu rồi.

(10408)

One thought on “Một cái nhìn nôm na về Start-ups”

  1. Pingback: Startup và nguồn lực cần có - Nam
  2. Trackback: Startup và nguồn lực cần có - Nam

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *