Doanh nhân và đọc
Khi mới đi làm tôi may mắn được thu nhận bởi những người lãnh đạo, người thầy cực giỏi trong làng kinh doanh. Trong vài năm đó, tôi cố gắng nghiên cứu điều gì khiến họ đặc biệt giỏi trong nghề của mình, từ tính cách, xuất xứ, giáo dục cho đến thói quen. Hôm nay tôi xin chia sẻ một điểm chung mà những người này đều có – đấy là văn hóa đọc.
Người viết hoàn toàn không có ý việc đọc sách thường xuyên dẫn đến thành công của những cá nhân này (correlation doesn’t imply causation) mà chỉ đưa ra điểm chung của những doanh nhân thành đạt này.
Mỗi tuần, sếp cũ của tôi, chủ tịch một tập đoàn xây dựng lớn đều dành vài tiếng đi lượn một vòng khu Tràng Tiền/Nguyễn Xí – tội nghiệp tôi lúc đó phải khệ nệ bê hàng chồng sách hết từ hiệu này sang hiệu kia. Đầu tuần, vị này phát hết sách cho các trưởng bộ phận đọc, đa phần sạch thuộc chủ đề quản trị, phát triển bản thân, lãnh đạo v.v…
Một điều đáng buồn (mà tôi, người nhân viên nhỏ bé khi đó không dám mách lẻo) là những lãnh đạo cấp trung được tặng sách hoặc là bỏ túi rồi không động đến luôn hoặc một số còn lại thì đi đâu cũng cắp nách theo nhưng thực sự thì gáy sách chưa có một nếp gấp nào. Bất kể vì lí do thời gian hạn hẹp, công việc bận rộn v.v… việc này không ổn chút nào vì ở cương vị lãnh đạo, các cá nhân bắt buộc phải thu thập thông tin và không ngừng phát triển tri thức, kỹ năng (lãnh đạo, quản trị, khoa học v.v…) vậy nên các doanh nghiệp chúng ta với những người quản lý lười đọc sao có thể gọi là tổ chức văn minh được?
Văn hóa đọc của người Việt
Vào ăm 2013, báo chí đăng bài “Người Việt đọc trung bình 0,8 cuốn sách/năm“ dư luận phản ứng bàng hoàng. Bản thân tôi thấy khá nực cười, không cần đến thống kê phức tạp chỉ cần nhìn số lượng ít ỏi của bookmarks (đánh dấu trang) được bày bán ở cửa hàng, số lượng, mật độ hiệu sách, quy mô trung bình của nhà sách, số xe máy gửi ở trong sân Thư viện quốc gia trên Tràng Thi cũng có thể thấy rằng văn hóa đọc của số đông người Việt là con số 0. Có gì đáng ngạc nhiên đâu nhỉ?!
Có hai điều hai ho tôi học được từ giáo dục phương Tây:
1/ Không chỉ nhà văn viết. Ai cũng có thể/phải viết.
Công thức của các loại nghề nghiệp từ chính trị gia, giảng viên, chuyên gia, tư vấn ở nước ngoài, đến khi anh đạt được thành công nhất định đều phải theo quy luật:
Làm ->Viết sách -> Giảng -> Làm -> Viết Sách… và vòng tròn này tiếp tục.
Julia Child trở thành siêu sao truyền hình nấu ăn, có công cải tổ cả nền ẩm thực Bắc Mỹ bằng cách đơn giản hóa ẩm thực Pháp đến các hộ gia đình Mỹ trở nên huyền thoại với quyển sách dạy nấu ăn “Mastering the Art of French Cooking” và là cảm hứng cho các bộ phim được làm về bà (ví dụ như Julie & Julia).
Tổng thống Bill Clinton xuất bản 4 cuốn sách sau khi ông hết nhiệm kỳ với quyền “Why we need smart Government for a strong Economy” bán hêt sạch trong vòng có vài phút ra lò, với gần 3 triệu bản được bán sau đó.
Đến thằng nhóc Justin Bieber, tuy mới 16 tuổi vào lúc viết quyền hồi ký đầu tiên, bán được hơn một triệu bản, bằng 25 thứ tiếng (!) với 3 đầu sách khác xuất bản những năm tiếp theo.
Và cuối cùng là một trong những tác giả yêu thích nhất của tôi về chủ đề Leadership phải kể đến John Maxwell với 68 đầu sách được xuất bản chỉ vỏn vẹn trong vòng 13 năm. Điều này nghĩa là ông viết một quyển sách trung bình trong vỏn vẹn 02 tháng bao gồm cả công tác, chỉnh lý, biên tập, thiết kế, truyền thông!
2. Văn hóa đọc phải rèn từ nhỏ
Có một điều kỳ lạ tôi thấy là tuy rằng khối lượng kiến thức ở bậc tiểu học, trung học lẫn phổ thông trung học của chúng ta không hề ít, ấy vậy mà sách của học sinh thì mỏng toẹt. Tại Mỹ, một môn chắc chắn không bao giờ có ít hơn 2 quyền sách giáo khoa, chưa kể 4-5 quyền sách tham khảo và hàng chục quyển đọc nâng cao. Lớp văn của tôi có khi một kỳ chỉ học có 4-5 tác phẩm, nhưng phải đọc hết từng quyển chứ không như ở Việt Nam ta toàn đọc trích đoạn. Nội dung còn chưa hiểu mô tê gì, nói gì đến ý đồ tác giả, phát triển nhân vật, diễn biến tâm lý, phương pháp hành văn? Ấy vậy mà học sinh ta thật tài, đọc vài trăm chữ trong một tác phẩm mà có thể viết được những bài bình dài và đẫm nước mắt.
Trong các trường đại học tại Mỹ hầu như không có một giáo sư nào chưa ra sách cả. Riêng ông thầy dạy Toán cao cấp của tôi thì vì xuất bản cuốn sách về lật lọng trong bài bạc đã bị tất cả các Casino ở Mỹ cấm cửa, thậm chí ông này còn không được phép bay đến California du lịch. Quy định mỗi trường mỗi khác nhưng ở trường tôi nếu giáo viên không đạt chỉ tiêu xuất bản sách/bài học thuật sẽ bị cắt biên chế không thương tiếc.
Đối với sinh viên thì nước này đào tạo hoàn toàn bằng việc viết lách, các du học sinh chắc đều không thể quên được khái niệm viết paper xuyên đêm – về bất cứ chủ đề gì, môn học gì, chỉ có viết và viết. Đến giờ tôi vẫn ám ảnh bài tập phải viết paper 60 trang về một công thức toán trong Cơ học Lượng tử mà mất đến 3 lít cà phê, mấy can redbull và 2 đêm thức trắng mới đánh máy xong được.
Các vấn đề thường gặp khi đọc
Thời tôi mới tập đọc (hàng ngày, mỗi ngày trên đường về nhà và trước khi đi ngủ – 1 quyển/tuần) tôi đã gặp phải một loạt vấn đề dẫn đến việc đọc thiếu hiệu quả, mệt mỏi và nản chí. Xin chia sẻ với các bạn các kiểu đọc sai như sau:
1/Đọc kiểu nhồi sọ
Đọc sách nó cũng là cái duyên, có một số vấn đề mà chúng ta thật sự khó tiếp cận mặc dù đã có các năm học phổ thông và đại học để rèn luyện. Trừ những trường hợp đòi hỏi bắt buộc (đọc tài liệu hóa sinh để chuẩn bị đề án kinh doanh của công ty) hay tài liệu kỹ thuật về vật liệu/ biện pháp thi công (khi còn làm trong ngành xây dựng) thì tôi tránh toàn bộ những chủ đề mình cảm thấy khó vào đầu.
Bạn có cảm giác rõ ràng mình hiểu từng chữ trong trang giấy đó mà sao ghép lại thì nó như tiếng Ả rập không? (Tôi đọc Tứ thư, Ngũ kinh thì rất vào. Nhưng đọc sách về Tử Vi thì hoàn toàn như vịt nghe sấm!)
Vậy nên hãy tránh xa những tư liệu khiến bạn mệt mỏi – thay vào đó tìm những thứ khiến bạn thật sự thích thú, cho dù đó là truyện tiểu thuyết hay thậm chí là truyện tranh để đặt mình vào một thói quen đọc hàng ngày đã.
2/Đọc cấp tốc
Đọc cấp tốc là khi bạn cố tìm mọi khoảng thời gian trống trong ngày cố đọc được vài khổ/trang trong một quyển sách trước khi phải lao vào một công vệc khác – ví dụ như khi đang ăn cơm, đi vệ sinh, khi ngồi trên xe mà chỉ tranh thủ đợc 10-15 phút. Thực ra làm như vậy gây thiệt hại hơn cả, vì đầu óc không đủ tập trung nên đọc ngắt quãng dễ làm bạn đọc chậm hơn, mà cảm giác mình thu được quá ít ỏi, cộng thêm căng thẳng về các việc tiếp tới thường khiến người ta không thu được chữ nào vào đầu.
Cá nhân tôi đọc sách trước lúc đi ngủ tầm 1h và nghe sách nói trong vòng 2 tiếng trên đường về nhà.
3/Đọc sai định dạng
Người ta thường nghĩ chữ nào cũng là chữ nên một con người có thể đọc báo, sách bìa cứng, sách bỏ túi, sách điện tử (Kindle), sách trên Ipad (ibooks), trên máy tính hay thậm chí cả điện thoại di động. Điều này hoàn toàn không đúng vì mỗi người có một thiên hướng hấp thụ thông tin khác nhau. Bản thân tôi cũng từng mắc vào sai lầm này cho đến khi nhận ra bản thân thuộc mẫu người rất vật chất, cái gì phải sờ, nắm, cầm, nhìn được mới có cảm giác “thực” vậy nên bao năm cố gắng căng mắt vật vã đọc trên máy tính tôi đã nghiệm ra mình sau này chỉ mua sách giấy. Sau đó đọc sách giấy lại làm cho tôi cảm thấy mình đọc rất chậm, và sốt ruột dẫn đến đọc lượt qua, không kỹ. Lúc ấy tôi tìm ra lời giải tuyệt vời là biến chiếc Iphone thành công cụ sách nói (bạn có thể cài chế độ speak của máy để đọc đoạn chữ lên – rất tiếc tính năng này chỉ áp dụng cho sách tiếng Anh). Việc này khiến cho đoạn đường đi xe máy từ quận Cầu giấy về quận Hai Bà Trưng trở nên hiệu quả hơn hẳn. Mỗi ngày tôi đọc được khoảng 50 trang chỉ nhờ đi đường. Tuy nhiên, với mật độ giao thông nước ta, các bạn chớ nghe tôi xúi bẩy bừa bãi, cân nhắc kỹ nếu mình không đi ô tô.
Nếu bạn muốn tìm kiếm phương thức đọc hiệu quả xin mời các bạn đọc [Đọc và ngẫm] Đọc sao cho hiểu
(461)