Nếu được hỏi kinh nghiệm tuyển dụng, tôi luôn giữ quan điểm là đừng bao giờ tuyển những người nhảy việc thường xuyên. Mỗi một mùa tuyển công ty tôi nhận được rất nhiều hồ sơ – trung bình khoảng 400 hồ sơ cho một đợt, để rồi lọc ra 50 để phỏng vấn và nhận 1-2 người. Ngoài việc xem xét một số yếu tố như trình độ học vấn, các chứng chỉ, kỹ năng cơ bản thì việc đầu tiên tôi để ý để loại vòng sơ tuyển là công việc trước họ làm được bao lâu. Cũng như những anh chàng đào hoa, họ sẽ sẵn sàng bước đi trước khi bạn kịp ký hợp đồng chính thức với họ.
Bài post này sẽ đề cập đến lý do tại sao.
Những người nhảy việc này là ai?
Thực ra thoạt nhìn những người trông không khác bạn và tôi là mấy – những trong buổi phỏng vấn bạn sẽ rất dễ nhìn ra ngay những người này khác với đa số thế nào. Nếu bạn còn ở độ tuổi hăm mấy mà đã trải qua hơn 3-4 công việc thì theo định nghĩa của tôi bạn chính là một trong những người này. Tôi phải nói trươc – bản thân tôi cũng đã trải qua 6 công việc trước khi 30 nhưng cái khác là tôi đã có lúc làm 3 công việc cùng một lúc – giám đốc truyền thông một công ty vào ban ngày, biên tập viên thời sự vào buổi tối và tư vấn vào thời gian còn lại. Tuy nhiên bất cứ công việc nào cũng giữ chân tôi được ít nhất 12 tháng.
Nên nhớ rằng – nếu họ đã bỏ các doanh nghiệp trước – họ sẽ bỏ doanh nghiệp của bạn thôi.
Họ không biết mình muốn gì
Vấn đề ở đây hoàn toàn không phải những người này không có năng lực – quan trọng nhất là họ rõ ràng không biết mình muốn gì, thuộc về đâu, và sứ mệnh đến trái đất của họ là gì. Điều này ảnh hưởng đến tài chính của doanh nghiệp cực kỳ lớn – thứ nhất, để cho một nhân sự ra đi, bạn phải đối mặt với chi phí tìm nhân sự mới, đào tạo lại từ đầu, những rủi ro từ việc rò rỉ thông tin, mất khách hàng, quan hệ và độ trễ của công việc trong giai đoạn chuyển giao nhân sự. Ngoài ra, một nhân sự không thực sự toàn tâm toàn ý với doanh nghiệp của bạn chắc chắn sẽ không có hiệu suất cao bằng một người hoàn toàn tập trung cống hiến, phát triển sự nghiệp ở công ty bạn.
Họ không giỏi ra quyết định
Nếu một con người ra quyết định gắn bó với một công ty để rồi đổi ý ngay sau đó – rõ ràng con người này không giỏi trong việc ra các quyết định quan trọng. Có phải vì họ không biết cách thu thập thông tin? Hay ra quyết định quá vội vàng? Hay họ cả tin quá? Hay họ thường xuyên có những kỳ vọng vô lý?
Theo tôi tất cả những tính cách trên đều độc hại cho một tổ chức.
Họ gây ảnh hưởng tinh thần cho những nhân viên tốt
Một trong những hậu quả khôn lường của một nhân sự nghỉ việc là họ gây ảnh hưởng trực tiếp đến đồng nghiệp của họ. Dù cố ý hay vô tình, họ sẽ khiến những nhân viên khác đặt câu hỏi – doanh nghiệp của bạn có vấn đề gì chăng? Nếu một anh chàng như vậy còn tìm được những lựa chọn tốt hơn, vậy tôi thì sao? Công ty của tôi đang tuyển những người như thế nào vậy?
Tinh thần của nhân viên là một thứ các chủ doanh nghiệp khó nắm bắt mà lại rất dễ dàng bị lung lay bởi những ca nhảy việc như thế này.
Đừng thuê Freelancer
Tôi không có ý bài xích freelancer – bản thân tôi cũng từng làm qua công việc freelance và cũng sử dụng rất nhiều các freelancer. Nhưng thuê họ lâu dài là một việc khác. Vấn đề với freelancer là họ xoay sở một mình rất giỏi, không thủ tục, không tổ chức, không doanh nghiệp, không giấy tờ lằng nhằng. Vậy hãy tưởng tượng khi bạn nhét họ vào một hệ thống đòi hỏi họ phải từ bỏ giấc ngủ đến 9h sáng, bắt họ làm thêm một loạt thủ tục giấy tờ với mỗi công việc. Trước đây họ tay làm hàm nhai – toàn bộ chi phí họ nhận được họ hưởng, không phải nộp lại cho công ty, chi trả thuế má, chia sẻ chi phí cho các bộ phận khác. Liệu họ có làm việc với nhiệt huyết và sự chăm chỉ như khi họ làm cho bản thân mình không?
Freelancers còn một lợi thế khác so với nhân viên bình thường vì họ luôn có một lưới chắn an toàn. Bất cứ lúc nào họ cũng có thể phủi đít đứng dậy và trở lại với công việc cũ. Điều này khiến họ dễ dàng từ bỏ hơn những người khác. Đó chính là lý do tại sao bạn không nên thuê freelancers.
Lời khuyên cho các bạn trẻ
Cũng như bước vào một mối quan hệ yêu đương – sự đào hoa của bạn không khiến đối tác thấy bạn hấp dẫn hơn đâu. Với công việc hãy:
1. Biết mình muốn gì
Bạn tìm gì ở một công việc? Tiền bạc? Tiếng tăm? Môi trường lành mạnh? Thăng tiến? Kiến thức? Kinh nghiệp? Một phòng làm việc tật đẹp?
Hãy đặt những câu hỏi này từ trước khi đi xin việc. Việc này sẽ không những giúp bạn thu hẹp và tập trung apply vào những công việc phù hợp. Hơn nữa sự hiểu biết rõ bản thân cũng giúp bạn đẹp hơn trong mắt nhà tuyển dụng.
2. Lựa chọn thật kỹ càng
Đừng bao giờ nhận một công việc chỉ vì bạn chưa tìm được gì thích hợp hơn. Đừng đồng ý làm việc nếu bạn còn chưa hiểu rõ công ty này thế nào, định hướng phát triển có phù hợp với kế hoạch của bạn không, văn hóa ra sao, sếp trực tiếp của bạn là người thế nào. Việc trả giá vì những lựa chọn vội vàng thường đau đớn hơn nhiều so với đồng lương vài tháng bạn kiếm được ở đó.
3. Đừng quá dễ dàng từ bỏ
Lý do bạn muốn nhảy việc là gì? Nếu không phải vì công việc mới cho bạn những lựa chọn tốt hơn, cơ hội học hỏi, phát triển tốt hơn hay chỉ vì đơn giản bạn không hòa hợp với môi trường hiện tại? Không một môi trường nào hoàn hảo cả – đấy là lí do chúng ta luôn phải thích nghi, thay đổi và cải thiện. Nếu vấn đề của bạn là thu nhập, khối lượng công việc hay bất hòa nội bộ – hãy tìm cách giải quyết chúng trước. Bạn đã thử nói chuyện với sếp/đồng nghiệp mình chưa? Bạn đã chắc chắn công việc mới sẽ thỏa mãn những gì bạn chưa hài lòng? Vậy lý do bạn gia nhập tổ chức này lúc đầu là gì?
Tôi không nói bạn không được từ bỏ một công việc quá tệ nhưng hãy cân nhắc nặng nhẹ thật kỹ trước khi quyết định bỏ việc.
4. Hãy thành thật với người tuyển dụng
Tuy rằng tôi không hay tuyển những người nhảy việc nhưng không có nghĩa tôi không chịu lắng nghe nguyên nhân. Hãy trình bày với người phỏng vấn bạn vấn đề nằm ở đâu và thuyết phục họ bạn sẽ gắn bó với nơi mới.
Chúc may mắn 🙂
(943)
4 thoughts on “Đừng bao giờ thuê những người có xu hướng nhảy việc”