Không một lần nào phỏng vấn tôi không bàng hoàng vì độ chuẩn bị quá kém của ứng viên, cho dù chúng tôi đã chọn ra những bộ hồ sơ sáng bóng nhất, các thí sinh từ những trường danh giá nhất. Tôi tin chắc rằng vấn đề không phải ở chỗ người đi phỏng vấn đó không có kỹ năng hay chậm chạp về suy nghĩ. Nhưng điều lạ lùng là khi hỏi họ về quá khứ, về cách hành xử của họ và quan điểm của họ về một số vấn đề, câu trả lời thường gặp là:
“……………….”
Tôi không rõ vì sao trả lời các câu hỏi ứng xử lại khó khăn đến vậy, hãy hỏi tôi về những chuyện tinh quái thời bé, tôi sẽ kể cho bạn hàng giờ liền. Hãy hỏi tôi lí do tôi thường xuyên trốn học, tôi có thể liệt kê ra 10 trang A4. Hay hỏi tôi phản ứng thế nào khi gặp phải trường hợp phân biệt chủng tốc? Tôi có thể chửi thề bằng 10 thứ tiếng cho bạn nghe.
Tôi không muốn đi vào chi tiết rườm rà vì sao lại như vậy, trước hết xin đưa ra ý kiến của phía bàn ngồi tuyển – sau đây là một số câu hỏi mà các bạn ứng tuyển hay gặp vấn đề, lí do chúng tôi đặt những câu hỏi này và nên trả lời chúng ra sao.
Câu hỏi ứng xử
Không phải chỉ thi hoa hậu người ta mới hỏi các câu hỏi ứng xử, trong tuyển dụng phải đến 80% các câu hỏi thuộc phạm trù này. Bạn ở đâu, làm gì, học trường nào, học lực tốt không tôi đều có thể tìm hiểu trên CV. Mục đích cuối cùng của việc phỏng vấn chính là tìm hiểu tính cách, dựa trên logic đơn giản là cách bạn hành xử trong quá khứ sẽ cho tôi biết tương đối về tính cách của bạn và cách hành xử trong công việc tương lai của bạn.
Các câu hỏi này thường tập trung vào trải nghiệm trong quá khứ, phản ứng của bạn, kiến thức, cũng như kỹ năng của bạn. Thay vì hỏi “Bạn tự thấy mình có kỹ năng lãnh đạo không?” (tất nhiên 10/10 ứng viên sẽ gật đầu như bổ củi) thì chúng tôi sẽ hỏi “Hãy đưa ra một ví dụ về vị trí bạn từng đảm nhiểm mà thể hiện rõ nhất tính lãnh đạo của bạn.”
Nên nhớ rằng, khi nhà tuyển dụng đăng tin cho một công việc – trong đầu họ đã có một ý tưởng tương đối rõ ràng cho phẩm chất, kỹ năng, tính cách mà họ tìm kiếm. Các câu hỏi phỏng vấn thực ra chỉ dùng để kiểm tra xem bạn có khớp với mường tượng của nhà tuyển dụng không thôi.
Vậy trước khi lao vào trả lời, hãy suy nghĩ vài giây về công việc bạn đang apply; nó đòi hỏi kỹ năng gì? Tôi có kỹ năng đó không? Làm sao để câu trả lời của tôi toát lên được điều này?
Trước khi đi đi phỏng vấn hãy nghiên cứu kỹ bản mô tả công việc công ty này công bố – họ có đòi hỏi kỹ năng đàm phán, làm việc nhóm, tư duy logic ? Rất dễ là khi phỏng vấn họ sẽ đưa ra các câu hỏi xoay quanh những vấn đề này.
Có một công thức tương đối dễ nhớ để trả lời các câu hỏi này là trình bày theo mô hình STAR :
Situation (tình huống): Người phỏng vấn muốn bạn trình bày một tình huống khó khăn bạn gặp phải.
Task (nhiệm vụ): Bạn đã phải làm gì? Người phỏng vấn sẽ muốn biết bạn định đạt được gì trong tình huống đó.
Action (hành động): Bạn đã làm gì? Người phỏng vấn muốn biết bạn đã làm gì, tại sao bạn lại chọn hành động đó và có những lựa chọn nào khác?
Results (kết quả): Kết quả của hành động của bạn là gì? Bạn đã đạt được kết quả gì từ hành động của mình, bạn có đạt được mục đích ban đầu không? Bạn học được bài học gì từ trải nghiệm này và bạn đã thay đổi ra sao?
Vậy nên để trả lời những câu hỏi này hãy:
1) Hãy tìm bút giấy và viết ra 10-20 ví dụ trong cuộc sống của bạn – quá trình đào tạo, kinh nghiệm làm việc, tham gia hoạt động xã hội, từ thiện v.v… mà bạn có cơ hội thể hiện tinh thần cống hiến cho xã hội, cho tổ chức v.v…
2) Sau đó hãy áp dụng mô hình STAR nêu trên, ví dụ như:
“Hãy mô tả một tình huống mà bạn đặt ra đợc mục tiêu nào đó và hoàn thành nó xuất sắc?”
Situation: Đảm nhiệm vị trí Quản lý dự án và đảm bảo dự án được triển khai đúng tiến độ và dự trù kinh phí.
Task: Công việc trước đây của tôi đòi hỏi phải chuyển 3 văn phòng làm việc về một địa điểm chỉ trong vỏn vẹn 90 ngày – và đỏi hỏi làm việc với nhiều nhà thầu xây dựng cùng một lúc. Tuy tôi biết rằng tiến độ này rất gấp nhưng tôi đã đặt mục tiêu là hoàn thành trong vòng 80 ngày và để lại 10 ngày để xử lý những tình huống phát sinh.
Action: Tôi đã gộp các nhà thầu vào 3 nhóm chính và phân công 3 quản lý dự án cho mỗi nhóm. Do đó việc lên kế hoạch triển khai được thực hiện hiệu quả hơn và giảm được thời gian hết mức.
Result: Kết quả là công việc không những thực hiện đúng deadline mà chúng tôi còn tiêu tốn ít tiền hơn so với dự kiến – tiết kiệm 15% so với dự oán ban đầu.
Các câu hỏi thường gặp
- Hãy mô tả một tình huống bạn phải chịu áp lực cao và cách bạn vượt qua nó.
- Hãy trình bày một trường hợp bạn phải tự xung phong làm lãnh đạo và kết quả của hành động đó.
- Hãy trình bày một tình huống bạn phải xử lý trường hợp khách hàng phàn nàn và kết quả.
- Hãy nêu ví dụ về một mục tiêu mà bạn đặt ra và cách bạn hoàn thành nó.
- Hãy kể lại một tình huống bạn phải ra quyết định tại chỗ và cách bạn xử lý
- Hãy mô tả một tình huống mà cấp trên của bạn sai. Cách tiếp cận của bạn là gì?
- Hãy kể về một tình huống bạn gặp vấn đề với đồng nghiệp và cách bạn xử lý xích mích này thế nào?
- Hãy mô tả tình huống bạn nản lòng trong công việc và phản ứng lúc đó của bạn là gì?
- Hãy mô tả một tình huống bạn được giao nhiệm vụ mình chưa biết làm thế nào mà không được hướng dẫn hay chỉ dạy gì cả. Kết quả của việc đó là gì?
- Trong công việc cũ của bạn, thành tựu lớn nhất bạn đạt được là gì?
- Ở công việc cũ, bạn đã cống hiến được gì cho công ty của mình?
- Vấn đề lớn nhất bạn gặp phải khi làm việc với người khác là gì? Và bạn vượt qua nó bằng cách nào?
- Hãy kể về một thành tựu làm bạn tự hào nhất từ trước đến nay?
- Hãy kể một trải nghiệm nào đó mà khiến bạn thay đổi nhiều nhất.
- Trong vòng 1 năm qua bạn đã học được gì?
- Điều gì khiến bạn cảm phục ở người lãnh đạo?
- Có ai trên đời khiến bạn thay đổi tư tưởng hoàn toàn? Hãy kể về trải nghiệm đó.
(1337)