Ngày nay, từ trẻ con cấp 2 đến các cụ già mắt tèm nhèm, ai ai cũng “lên phây”. Dường như cả xã hội hiện đại có thể sống thiếu cơm nhưng không sống thiếu nổi Wifi và facebook. Nhưng thực ra có bao nhiêu người biết ý tưởng này được sinh ra thế nào và từ bao giờ? Và Facebook liệu có phải “cha đẻ” mạng xã hội như mọi người vẫn nghĩ? Hoàn toàn không phải. Mạng xã hội ra đời từ trước năm 2003 (khi Facebook trình làng lần đầu). Bản thân là người tuổi teen từ thời mạng xã hội khởi thuỷ, qua bài viết này tôi muốn ôn lại chút lịch sử mạng xã hội.
Những ngày đầu
Vào giữa thập niên 90, internet đã bộc lộ tiềm năng phát triển tính “xã hội” của nó khi người dùng tìm mọi cách để có thể “xã hội hoá” nó và sử dụng nó để giao lưu – chia sẻ nội dung, tải lên hoặc tải về các tập tin, cũng như trò chuyện trực tuyến cùng bạn bè. Ở Việt Nam từ cái thời muốn dùng Internet thì phải ngắt dây điện thoại và cắm Dial up, dọc khu Bách Khoa hàng Internet mọc ra như nấm, hàng hàng nhà nhà mở “quán net” (một khái niệm mà giới trẻ ngày nay đã không còn cảm giác cũng như khái niệm – lưu ý là quán net khác với quán game hiện nay.) Lúc đó các game MMORPG còn chưa được ra đời, người ta vẫn chơi Warcraft offline bằng máy bàn (chính cái thời còn hack được vàng/gỗ bằng code ý ạ), và Đế chế còn là thứ xa xỉ, đại đa số thanh thiếu niên ra quán net để “chơi Chat” (đừng vội cười 8x, hôm trước tôi bị hỏi là có biết “Chơi facebook” không, tôi còn hoảng hồn hơn nữa.)
Vào thời đó mIRC (Internet Relay Chat – một hình thức liên lạc trên Internet, cho phép các nhóm người trong một chatroom liên lạc với nhau) là thứ giải trí hot nhất của giới trẻ, từ trẻ cấp hai, cấp ba, giàu lắm có 10k ngồi được một tiếng net là oách lắm rồi; thấy những nick xanh nick đỏ nhấp nháy và click vào những nick vô cùng xa lạ và kệch cỡm như boy_yêu_em_mãi hay cô_bé_đi_giày_thuỷ_tinh (hình như tôi bị ám ảnh bởi nick của chúng bạn nên giờ mười mấy năm trôi qua vẫn còn nhớ) rồi trò chuyện không e dè. mIRC dần bị thay thế với Yahoo Messenger với những tính năng vượt trội hơn, kết nối tốt hơn nhờ mạng ADSL (thay thế Dialup) và đến thời kỳ các diễn đàn bùng nổ, với sự dễ dàng của việc lập tài khoản và sự ẩn danh mới có, người ta phát hiện hoá ra “nói” lại là một môn thể thao kỳ thú đến vậy – nói một mình chẳng ai nghe, nói thành đội, nói cho nhiều người nghe dần dần trở thành những cuộc bút chiến đẫm máu trên bàn phím.
Và rồi ngày nay mạng xã hội nở rộ, con người ta đưat các diễn đàn xưa cũ vào lãng quên, chỉ có mấy cái tên như webtretho, tinhte, truongton v.v. là còn được ưa chuộng, trong khi mIRC hoàn toàn bị loại bỏ, yahoo messenger cũng bị thay thế bởi Gmail chat, Skype và gần đây là sự xâm chiếm các ứng dụng nhắn tin và gọi điện miễn phí như Viber (12 triệu tài khoản), Zalo (20 triệu người dùng), Line (4 triệu người dùng), v.v… Mới có vài năm trôi qua mà khó lòng nhận ra được internet ngày nay so với internet thời đầu.
Quay lại những chuyện của thập niên 90 – khi đó khái niệm “mạng xã hội” đã hình thành trong các tính năng mà những website kém hiện đại thời đó cung cấp – những tính năng mang tính kết nối; điển hình là trang Classmates.com ra đời với mục đích giúp những người bạn học lâu năm không gặp tìm ra nhau ở Mỹ. Tuy nhiên, người sử dụng lúc đó chưa thể tạo hồ sơ như profile facebook ngày nay, tuy vậy, trang web này tính đến nay đã có hơn 57 triệu tài khoản. Một trang web đó nổi lên vào năm 1997 mang tên SixDegrees.com, tuy không thành công bằng Classmates.com nhưng lại là sản phẩm tiên phong cho phép người dùng tạo ra các trang profile, mời bạn bè tham gia mạng lưới, tạo các nhóm (như Facebook group) và “ghé thăm” các rang profile của những người khác. Tên trang web được dựa trên nguyên lý của khoa học xã hội cho rằng bất cứ ai trên thế giới này đều có mối liên kết với bất cứ ai khác chỉ trong 6 cấp.
Friendster
2002 là năm mà khái niệm mạng xã hội thực sự thành hình với sự xuất hiện của lính mới Friendster. Kế thừa những nền tảng của Sixdegrees.com kết hợp với sự sáng tạo trong việc thể hiện các mối quan hệ trên mạng xã hội này theo kiểu “Circle of friends” (biểu đồ quan hệ giữa 2 người với nhau). Friendster ngay lập tức nổi như cồn và đạt số con số 115 triệu người đăng ký. Ngày nay ở một số nước Châu Á như Phillipines mạng xã hội này vẫn hoạt động sôi nổi nhưng giờ nó đã được biến thành cộng đồng chơi game và diễn đàn cho thanh thiếu niên.
Câu chuyện của Facebook, LinkedIn và MySpace
Một năm sau, vào năm 2003, các trang web mạng xã hội khác như LinkedIn, MySpace và Facebook đã được ra đời. Nếu LinkedIn thể hiện hình ảnh một mạng xã hội hết sức bôn-sê-vích dành cho giới doanh nhân và các chuyên gia với hứa hẹn sẽ kết nối họ với những người thành đạt khác. Giờ nay Linkedin được sử dụng như một sơ yếu lí lịch ảo và thành công cụ “người tìm việc – việc tìm người” hết sức hữu ích ở nước ngoài với hơn 100 triệu người dùng thường xuyên (trong tổng số 400 tài khoản đăng kí). Bản thân tôi thì không ưa thích LinkedIn lắm, vì nó tạo một cảm giác quá nghiêm túc thành ra giả tạo. Profile của ai cũng có ảnh chụp chuyên nghiệp với nụ cười tư vấn viên bán kem đánh răng, và người ta lựa chọn người để kết nối trên cơ sở thành tích công việc, danh tiếng công ty họ làm v.v…
Người khổng lồ MySpace được thành lập bởi cụ Media LLC và ngôi sao nhạc pop Justin Timberlake vào năm 2003 và trở thành mạng xã hội số một ở Mỹ. News Corporation sau đó mua lại nó vào năm 2005 với giá 580 triệu USD. MySpace đã được trang web mạng xã hội truy cập nhiều nhất trên thế giới từ tháng 7 năm 2005 đến đầu năm 2008 và thậm chí vào năm 2006 nó còn vượt qua được Google về lượng truy cập. Riêng tháng 8 năm 2011, Myspace đã đón chào hơn 33 triệu người truy cập. Tôi còn nhớ thời cấp 3, đại học, ai ai cũng dùng Myspace như các bạn trẻ dùng Facebook bây giờ vậy. Người ta phần lớn viết blog, phát biểu cảm tưởng và ghi chép nhật ký, chia sẻ âm nhạc trên mạng. Bạn càng có nhiều bạn trên Myspace bao nhiêu, càng chứng tỏ sự thành công của bạn ở tuổi teen. Một điều thú vị nữa, là lúc ấy bạn có thể kết bạn với những ca sĩ, người mẫu nổi tiếng. Khi đó mạng xã hội còn khá bình dân, còn khá riêng tư và khá nhỏ.
Có lẽ chính thế mà năm 2008, Facebook đã vượt qua MySpace về lượng truy cập bởi nó không hề bình dân, không riêng tư và cũng chả nhỏ. Facebook ra mắt trong năm 2004 bởi Mark Zuckerberg và một vài đồng nghiệp. Lúc đó, tôi mới vào cấp ba, anh bạn trai đầu tiên hỏi tôi đã có facebook chưa, tôi mắt tròn mắt dẹt không hiểu cái facebook này là cái gì, và sau nửa tiếng giảng giải về “mạng xã hội” này tôi vẫn chả hiểu nó là cái gì. Lúc ban đầu, chỉ có sinh viên đại học Harvard mới có Facebook để sử dụng, nhưng sau đó nó đã được mở rộng cho học sinh các các trường đại học khác trong khu vực Boston, Ivy League và Đại học Stanford (tạm hiểu là những trường sang chảnh nhất của nước Mỹ). Người Mỹ trông xô bồ thế thôi nhưng thực ra họ rất chảnh và phân biệt, faceobok đánh đúng vào sự tự hào của các sinh viên đại học danh giá này mà tạo nên tiếng tăm của nó trong giới trẻ. Sau đó, Facebook “bình dân hoá”một chút nhưng vẫn tương đối khó vào khi chỉ cho phép người có tài khoản mail .edu đăng ký. Lúc ấy tôi vừa vào đại học, được cấp cho cái mail đại học sướng như điên việc đầu tiên làm không phải là đóng tiền học mà là lao ngay vào thư viện lập tài khoản facebook. Mãi về sau, nó mới được mở cửa cho công chúng nói chung cho mọi người ở mọi lứa tuổi trên 13 tuổi có email bất kỳ. Trang web này lúc đấy trở thành một hit lớn trong giới sinh viên và vào tháng 5 năm 2011, với hơn 800 triệu người sử dụng.
Google plus
Google đã cố gắng tham gia vào mạng xã hội với một loạt các dự án như Google Wave, Buzz và Talk, nhưng mấy sản phẩm tung ra đều không được lòng công chúng. Không hề tuyệt vọng, công ty này tiếp tục thử sức với Google Plus (Google +), với những tính năng tương tự như Facebook.
Google Plus vẫn đang trong giai đoạn phát triển và đạt được con số 20 triệu lượt người truy cập chỉ trong vài ba tuần kể từ khi nó được phát hành vào tháng 6 năm 2011. Tuy nhiên, bản thân tôi vẫn thấy Google+ không đáp ứng được nhu kết nối như Facebook mà lại làm cho các mối quan hệ công việc và cá nhân trở nên nhập nhèm và kỳ cục.
Cuối cùng xin nhắn nhủ với các bạn trẻ là “chơi phây” thì cũng nên hiểu chút ít về nó, đằng sau những “tút” vu vơ, hận đời, thương nhớ của các bạn là cả một nền công nghiệp sáng tạo và một bộ máy vận hành kinh doanh lớn kinh khủng! Hai nữa muốn nhắn nhủ với đối tượng luống tuổi là xã hội ngày nay đúng là có nhiều thứ ảo hơn thật, đúng là giới trẻ tiêu ốn bao nhiêu thời gian vào game, vào facebook nhưng không thể gạt phắt nó đi như thứ nhảm nhí được, mạng thì ảo nhưng tiền là thực, kết quả nó mang lại là thực.
(292)