
Người ta vẫn nói Tết sum vầy, Tết yêu thương – Tết là lúc con người ta có cái cớ để quây quần gần nhau hơn, để thăm hỏi, để trải nghiệm tình thân. Nhưng tất nhiên, thực tế không phải lúc nào cũng viên mãn như trong quảng cáo OMO mỗi dịp Tết Nguyên Đán. Cùng trải nghiệm với bao cô gái xấp xỉ 30 chưa chồng khác, tôi nhận được bao lời hỏi han dưới cái mác của sự quan tâm chân tình “Dạo này hình như béo lên hả? Có người yêu chưa? Khi nào cho ăn kẹo? Có định học cao không? Học cao quá là khó ấy chồng lắm đấy. Một tháng kiếm khá không? Làm nhiều thế thì tiền để đâu tiêu cho hết nhỉ? Năm nay thưởng có nhiều không?
Và thực ra là không, năm nay chính tôi ký quyết định cắt thưởng toàn công ty.
Trước khi bàn đến chuyện đúng sai, vô duyên, hữu lý của thói quen thăm hỏi này, cái hôm nay tôi muốn chia sẻ nằm đằng sau những lời thăm hỏi ấy. Đó là cảm xúc của chúng ta khi đối diện với những phán xét vô hại của người ngoài về việc ta là ai, ta có gì và ta nên có gì. Bởi thực ra sự quan tâm vô duyên này không gây sát thương trực tiếp đến lòng tự tôn của chúng ta, mà cái nó đánh vào chính là những nỗi bất an sâu thẳm tích tụ rất lâu trong tiềm thức mỗi người chúng ta qua 365 ngày hối hả vật lộn với cuộc sống, và vật lộn với sự phát triển của chính bản thân mình.
Tình yêu vô điều kiện là thứ mỗi con người chúng ta – một cách có ý thức hoặc vô thức – đều khao khát. Đấy là lí do tại sao ta mài mông 12 năm trên giảng đường, không phải hoàn toàn vì học vị của bản thân, mà có nhiều khi là để được sự khen thưởng của bậc sinh thành; chúng ta mặc đẹp, xịt nước hoa đắt tiền nhất trong tài sản của mình chỉ để ra vỉa hè ăn ốc với người thương, hay khoác lên mình bộ vest sặc mùi đa cấp để ra mắt họ hàng. Chúng ta cố gắng hàng ngày để đạt đến sự tán thưởng đến từ người xung quanh, từ cha mẹ, vợ chồng, lãnh đạo, cho đến hàng xóm láng giềng hay thậm chí bà bán nước ngoài ngõ.
Về bản chất chúng ta miệt mài theo đuổi sự chấp thuận của người xung quanh, nhưng đôi khi chính sự nỗ lực ấy lại gây ra một cảm giác mỏi mệt đến kiệt quệ đặc biệt là khi công sức bỏ ra không được ghi nhận. Khi người yêu không nhận ra bạn vừa cắt tóc thì đa phần phụ nữ sẽ khóc nức nở vì tiếc nuối hàng mấy tiếng trang điểm, tập tành, tắm táp, hong khô để nhận lại một cái nhìn vô tâm. Đó cũng là lí do tại sao ta hay hục hắc với cha mẹ khi bị so sánh với anh chị em trong nhà, hay khi họ móc ở đâu ra đứa “con người ta” nào đấy.
Đó là bởi vì hai vệc ta làm – khao khát tình yêu, sự tán thưởng và nỗ lực thay đổi để được yêu thương – tưởng chừng như rất liên quan thực ra là hai vệc không có giá trị bồi dưỡng và thỏa mãn lẫn nhau.
Ta luôn cố gắng – ăn học, làm việc, cống hiến, tích lũy để tạc lên một phiên bản mà ta nghĩ bản thân và người xung quanh sẽ chấp thuận, thích thú và ghen tị. Nhưng mà cái ta cần và theo đuổi thực ra lại là tình yêu vô điều kiện. Và ta quên rằng, tình yêu vô điều kiện đó tốt nhất nên xuất phát từ chính bản thân mình trước.
Lúc Tết nhất là lúc người ta nhìn điều này rõ nhất khi nhân danh sự quan tâm và quan ngại sâu sắc, từ người dưng đến người thương họ hỏi thăm ta vào những điểm xem chừng còn đang thuộc mức hạnh kiểm trung bình.
Nó chạm vào sâu thẳm trong sự bất an của bản thân khi ta tự nhận thức là mình “chưa đủ” – là chúng ta cần phải cắp nách kèm theo vô vàn điều kiện – cần có người khác mới là một thể hoàn chỉnh, cần cơ thể gầy hơn, cần nhiều tiền hơn và cần sự thành công hơn bao giờ hết. Nó làm ta ghi nhớ những lần ta tự dằn vặt bản thân:
- Tự phê bình hình thức của mình
- Cảm tấy tội lỗi vì những gì mình đã làm
- Cảm thấy tội lỗi vì bao điều chưa làm
- Bất mãn với sư lười biếng, thiếu kỷ luật của bản thân
- Bất mãn với sức khoẻ, lối sống của mình
- So sánh bản thân với những người khác
- Sợ hãi sự bấp bênh của cuộc sống và lo ngại về khả năng mình sẽ thất bại
- Vật vã với mỗi lần phạm sai lầm
Tất cả những biểu hiện trên đều chỉ ra: ta là một phiên bản lỗi, không đủ cho xã hội đầy đòi hỏi này. Tất nhiên điều này không phải ai cũng trải nghiệm bởi có bao nhiều người trong đời không một lần cố gắng. Cái đáng buồn hơn là chính những người thực sự cố gắng lại thường có cảm giác tội lỗi và thất bại hơn tất cả, bởi họ theo đuổi một hình mẫu bản thân quá mức hoàn mĩ, một phiên bản không lỗi gần như bất khả thi.
Nhưng nếu ta có thể dũng cảm đòi hỏi người thân một cách vô điều kiện, bất kể ta là ai, xuất thân thế nào, có tật xấu gì đi nữa thì tại sao ta lại không thể mơ đến vệc đòi hỏi chính thứ đó trong mối quan hệ với bản thân? Và từ bỏ những suy nghĩ tiêu cực về hình thể, trình độ, cảm xúc, hành động và suy nghĩ của bản thân?
Đã bao lần ta câm nín được những suy nghĩ tự dày vò mà nói một câu công bằng là “Mày thực ra cũng ổn ra phết”?
Nhiều người sẽ phản bác là nếu không có sự chỉ trích bản thân ta sẽ trở nên thui chột, và có gì sai khi mong muốn mình trở thành một phiên bản tốt hơn.
Tôi nghĩ việc muốn thay đổi bản thân là một điều tuyệt vời, là thứ công thức thần kỳ thúc đẩy sự phát triển của mỗi người nhưng nó không cần phải xuất phát từ việc tự hành hạ bản thân. Bởi chứng bệnh tự kỳ thị nó như một thứ thuốc gây nghiện – và như bao thứ gây nghiện khác nó khiến chúng ta dấn thân vào nó sâu hơn, và trở nên độc hại khi tất cả chúng ta nghĩ đến là vấn đề của mình chứ không phải là giải pháp xử lý vấn đề đó.
Vậy yêu thương bản thân, bất chấp sự lười nhác, thói quen nhỏ dãi khi ngủ, vài ký mỡ thừa, vài cái mụn trên mặt và túi tiền hơi mỏng thì có làm sao?
Tôi có lòng tin khi ta nhân đạo với bản thân trước, ta sẽ học được cách yêu thương người khác tốt hơn. Khi ta biết lỗi lầm của mình và nhìn nó một cách tường minh, không phán xét thì việc thay đổi có thể diễn ra một cách nhẹ nhàng, cầu tiến và nhân đạo hơn.
Sự chấp thuận bản thân không thể hiện sự chây ỳ. Thay đổi vốn là viêc thiên kinh địa nghĩa – cuộc sống và con người thay đổi bất kể ta có muốn hay không. Nhưng câu hỏi ở đây là ta chọn thay đổi với một sự trân trọng bản thân vô điều kiện hay thay đổi xuất phát từ sự bất mãn về cuộc sống và về bản thân mình?
Mong là bạn và tôi đều sống sót được người thân và bản thân mình năm nay.
Chúc mừng năm mới!
Bài viết được viết vào thời điểm tác giả của chúng ta – một cô gái Hà Nội gốc, được hưởng nền giao dục tư bản chủ nghĩa, phải vật lộn với gia đình tri thức phố cổ của mình. Cô ý vẫn chưa có con, chưa chồng, và có một đàn nhân viên hàng ngày kêu đói. À cô ấy còn đang buồn vì được nominate nhưng trượt danh sách Forbes 30 Under 30.
(346)