Ở công ty chúng tôi có một văn hoá là hàng tuần giám đốc các công ty trong cùng tập đoàn sẽ ngồi lại với nhau và thảo luận các vấn đề mỗi cá nhân gặp phải, các ý tưởng về việc xây dựng tổ chức cũng như những khúc mắc giữa các cá nhân/ công ty với nhau.
Hôm nay chúng tôi thảo luận về những ma sát gặp phải giữa các lãnh đạo công ty, trong 10′ mỗi người phải viết ra những gì khiến bản thân mình bị kích động (theo nguyên văn đề trên giấy là “Hãy liệt kê những điều khiến em nổi máu chó”) và viết ra những điều mà mỗi cá nhân còn lại trong nhóm khiến chúng tôi không hài lòng.
Mọi người ngẩn tò te trước tớ giấy trắng một hồi lâu rồi nghiến răng nghiến lợi viết. Lúc ấy tôi quan sát thấy một điều – chúng ta rất rõ những điều khiến mình khó chịu, với tôi đó là khi ai đó nói một đằng nhưng làm nổi nẻo – thể hiện sự thiếu quân tử, những người thích bắt nạt kẻ yếu – thể hiện tính hung hăng không hướng thiện và những kẻ ngu mà thích tỏ ra nguy hiểm – thể hiện bản lĩnh kém cỏi. Việc viết ra những dòng trên không hề khó khăn, cái khó là làm sao viết ra những gì mình không thích ở người bên cạnh.
Tôi chợt nhận ra – con người sẽ không bao giờ hoàn toàn đồng tình với người kế bên mình, họ luôn lệch đi vài xăng-ti-mét so với tiêu chuẩn đạo đức, cư xử mà ta đề ra. Ấy vậy mà, để đặt bút viết ra điều đó thật vô cùng khó khăn – chí ít, nó khó với những người sẵn sàng chấp nhận những ý kiến và phản ứng ngược lại.
Hãy nghĩ xem lần cuối bạn đối mặt với hàng xóm của mình và phàn nàn về tình trạng vệ sinh của họ? Hay cha/mẹ, vợ/chồng mình về quan điểm của họ về chính trị, cuộc sống, nuôi dạy con cái hay thậm chí khả năng tư duy, trình độ học vấn của họ?
Việc ta mạnh dạn viết ra những điều đó cho dù là dưới vỏ bọc nặc danh thật không dễ dàng – bởi nó là một tuyên ngôn, một sự gán mác, một sự đối mặt thầm lặng. Có lẽ cũng vì lẽ đó mà dạo này tôi rất khó có thể viết blog và tuy rằng mở trang nikkinguyen.vn ra hàng ngày nhưng thật khó mà dám viết được nhiều điều bất mãn. Bởi mỗi một động tác đặt bút, mỗi một cú nhấp chuột là ta đang để lộ ra những suy nghĩ thật sự của mình, cái tôi của mình, tính xấu của mình, sự thiếu sót của mình, thậm chí sự ngu dốt của mình.
Thậm chí viết đến những dòng này, tôi có phần cảm thấy “trần truồng” hơn một chút. Viết blog với mục đích để nổi tiếng nó sẽ khác, viết thuần tuý chia sẻ kiến thức cũng khác, nhưng đã là con người sẽ có cái tôi, có quan điểm. Và đã có quan điểm tất sẽ có sai lầm. Vậy nên cho dù những bài viết này có lạc vào hố đen của internet và không có người ngó ngàng tới, hay thậm chí được một vài người tìm đến, tôi cũng tự nhắc mình rằng mỗi một chữ, một từ cũng cần có sự liêm khiết và cẩn trọng bởi viết lách là quá khó, và đối mặt với những gì mình viết ra còn khó hơn nữa.
Nhưng cũng như hôm nay tôi đã dũng cảm viết ra những thứ tôi chưa hài lòng ở đồng nghiệp mình, hôm nay, tôi tự hứa cũng sẽ dám viết, dám sai trên trang blog nhỏ bé này nhưng cũng không bao giờ quên tự nhắc nhủ bản thân phải cẩn trọng trong lời nói, trong từng chữ mình viết ra, và quan trọng hơn trong cách mình suy nghĩ và nhìn nhận về cuộc sống, về người xung quanh. Bởi cho dù viết ra hay không, ta cũng phải đối mặt với sự thực về suy nghĩ, và đánh giá của mình.
Vậy mới thấy cái bọn anh hùng bàn phím chúng nó quá tài – viết cả ngày trên mạng hết vấn đề đại sự quốc gia, an ninh quốc phòng, đạo đức xã hội, vấn nạn ngoại tình hay sự tồn tại của người ngoài hành tinh đều thật là hăng say thật tự tin biết bao!
(119)