Trong tuần vừa rồi văn phòng chúng tôi trải qua một hiện tượng kỳ quặc nhất từ trước tới nay. Mỗi năm chúng tôi nhận được hàng ngàn hồ sơ xin vào chương trình thực tập/ đào tạo do tôi khởi xướng cách đây 5 năm. Lúc ban đầu, nhận nhiều hồ sơ như vậy thật sự rất hào hứng – chắc hẳn chúng tôi phải làm ngon lắm thì mới nhiều người xin vào như vậy (?) Và rồi hết đợt này qua đợt khác một hiện tượng nữa xảy ra là số lượng hồ sơ càng nhiều thì công sức bỏ ra để đọc từng bộ hồ sơ càng lớn, trong khi đó số lượng sinh viên tốt tuyển được không những không hơn được những sinh viên chúng tôi tuyển cách đây vài năm mà thậm chí chất lượng có phần xuống dốc trong khi thời gian và sức lực của team thì càng ngày càng hiếm hoi.
Quá mệt mỏi với việc phải lọc hàng trăm bộ hồ sơ – lần này chúng tôi làm một việc không tưởng là trong lần tuyển dụng này thông điệp của công ty là “ĐỪNG APPLY VÀO!”. Chúng tôi tìm mọi cách để thuyết phục ứng viên đừng nộp đơn – đừng nộp đơn nếu bạn không chịu được áp lực, đừng nộp đơn nếu bạn muốn “thử sức và trải nghiệm”, đừng nộp đơn nếu bạn không chịu được thói vũ phu của sếp v.v…
Và thần kỳ thay, đúng là đợt này số lượng người nộp đơn tuy giảm tới 80% so với những đợt tuyển trước nhưng chất lượng hồ sơ thì vượt trội hơn hẳn. Thay vì việc phải đọc hàng trăm bộ hồ sơ nhàm chán, giống nhau từ câu chữ đến hình thức thì năm nay chúng tôi tìm được những bạn từ mọi miền, nhiều người là du học sinh, và quan trọng hơn là 100% ứng viên trả lời các câu hỏi nghiêm túc, có suy nghĩ, có cá tính, có đầu óc!
Lúc tôi yêu cầu nhân viên viết thông báo tuyển dụng tôi cũng không ngờ kết quả lại như vậy bởi tại giây phút ấy thực sự tôi chỉ mong không phải đánh vật với vài trăm bộ hồ sơ trên bàn nữa.
Thế rồi, tôi nhận một cú điện thoại từ một chủ doanh nghiệp nhỏ và mới trên thị trường. Chị khách hàng muốn xây dựng một website cho sản phẩm của xưởng mình – một sản phẩm không có gì là xa hoa và lóng lánh cả, lại thuộc một thị trường hẹp. Tôi dành nửa tiếng đồng hồ tư vấn cho chị những giải pháp khác và khuyên chị nên sử dụng dịch vụ một công ty khác. Một lần nữa, tôi muốn khẳng định là chúng tôi không coi thường khách hàng – mà thực ra là chúng tôi quá coi trọng đồng tiền của khách. Làm nghề marketing, tôi hiểu khách hàng – đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ ở Việt Nam phải vất vả như thế nào để tranh giành từng phần trăm thị phần, kiếm từng đồng lãi một; vậy nên, tôi không muốn khách hàng của mình phải chịu một khoản chi phí lớn cho một agency như chúng tôi – họ có thể thử WordPress, hoặc thuê freelancer hoặc thậm chí dùng tạm một sản phẩm web 5 – 7 triệu ngoài thị trường.
Lần này tôi cũng nói không và nài nỉ chị khách hàng xem xét các công ty khác. Ấy vậy mà, ngày hôm sau tôi gặp chị trong phòng họp văn phòng mình. Hai vợ chồng chị lên tận nơi để xem chúng tôi làm việc và nhất quyết phải thuê chúng tôi. Thậm chí họ còn yêu cầu chúng tôi báo giá một loạt dịch vụ đơn giản vì một chữ “tín”. Đôi vợ chồng trẻ nói rằng, họ thà bỏ tiền ra cho một sản phẩm mà họ tin là sẽ “xuất sắc” và vào một team tôn trọng họ và đồng tiền của họ còn hơn làm ra một sản phẩm “tốt vừa vừa”.
Tuy rằng không nói ra, nhưng chúng tôi thật sự trân trọng những khách hàng như vậy. Tiền họ kiếm ra không phải dễ dàng gì, để họ lựa chọn chúng tôi – đây là một niềm vinh hạnh. Tiện đà, tôi giảm giá dịch vụ cho chị phấn khởi và team bắt tay vào sản xuất cho anh chị.
Qua tuần vừa rồi tôi học được rằng, có những lúc ta nói ‘có’ và chạy theo tất cả những gì có thể lấy được với một tâm lí thừa hơn thiếu – trong vấn đề tuyển dụng, lựa chọn công việc, khách hàng, thật sự là dại dột.
Khi mới ra trường, bạn có nộp hồ sơ xin việc như “rải truyền đơn”? Hay khi mới khởi nghiệp các bạn có cố gắng nắm lấy mọi khách hàng, đơn hàng? Nếu câu trả lời là có, liệu chăng chúng ta có nên xem lại những khi nào thì nên nói ‘không’ bởi biết đâu, bằng việc kiên quyết giữ chất lượng và loại bỏ sự xao nhãng, ta có thể tiến tới những cái ‘có’ giá trị hơn?
(177)