Bạn có biết người nào đó mà ngày nào họ cũng thức dậy được từ rất sớm không? Dường như họ mở mắt ra và ngay lập tức mọi bộ phận trên người bật dậy như một cỗ máy sẵn sàng chiến đấu với thế giới? Họ khoe là đồng hồ sinh học của họ tự động khiến họ dậy đúng giờ mà không cần đồng hồ báo thức?
Tôi ghét loại người đó kinh khủng.
Nói chính xác hơn là tôi ghét việc dậy sớm kinh khủng và mấy người đó khiến cho tôi cảm thấy như mình sinh ra đã có dị tật vậy. Tôi thuộc loại người hàng ngày đặt 5 loại báo thức và găm 2 cái đồng hồ, 2 cái điện thoại di động cộng 1 cái Ipad ở khắp nơi trong nhà (để phải ra khỏi giường mới tắt được). Vậy mà hàng ngày tôi vẫn mất 40 phút mới lết ra được khỏi giường, mắt còn tèm nhèm và cơ thể không tự chủ và từ chối hoạt động nếu không nạp vào người vài cốc cà phê.
Năm 2011, tôi được Chủ tịch HĐQT bổ nhiệm làm giám đốc công ty truyền thông mà hiện tại tôi vẫn đang quản lý. Khi đó, ông sếp không dặn dò gì nhiều chỉ để lại một câu là: “Nếu em không dậy sớm có mặt 8 giờ hàng sáng thì em khó mà làm lãnh đạo được đâu.”
Đến giờ đã 5 năm trôi qua và công cuộc luyện dậy sớm vẫn chưa tính là hoàn thiện lắm. Tuy nhiên, sau 3 năm, tôi đã có thể dậy vào lúc 7h sáng hàng ngày và đến hôm nay là dậy được lúc 5:30 gần như hàng ngày. Có thể nói là tôi đã thử qua mọi lý thuyết, mánh khóe và thậm chí cả các bài thuốc dân gian, Tây – Ta có trên đời để dậy được sớm. Sau đây là một số biện pháp cá nhân tôi thấy có tác dụng nhất xin chia sẻ với bạn đọc:
- Hoạt động theo lịch – đi ngủ cùng một giờ hàng ngàyNói thẳng ra việc này tương đối dễ hiểu nhưng cực kỳ khó thực hiện, đặc biệt đối với những người làm việc cường độ cao và tiêu tốn nhiều năng lượng trong ngày. Vì phần lớn năng lượng của chúng ta bị ảnh hưởng bởi nội tiết tố – việc đưa lịch làm việc và sinh hoạt theo quỹ đạo tuy rất khó khăn nhưng là yếu tố tiên quyết để cơ thể vào guồng cho lịch ngủ nghỉ. Nếu không thể áp đặt bản thân ngủ vào cùng một giờ thì sẽ không bao giờ có thể thức dậy đều đặn hàng sáng. Việc “tái lập trình” cho đồng hồ sinh học của mỗi người vô cùng tốn thời gian và khó duy trì, thế nên hãy tập ít nhất là 21 ngày tuân thủ kỷ luật lên giường đúng giờ thì tự nhiên việc dậy cùng một giờ sẽ trở nên dễ dàng và sảng khoái hơn.
- Ngủ theo quãng REM
REM – hay Rapid Eye Movement là trạng thái ta ngủ sâu nhất và cơ thể ta lúc ngủ luôn chạy theo các quãng REM này từ ngủ lơ mơ – ngủ yên – ngủ sâu rồi lại lặp lại vòng luẩn quẩn đó. Một quãng REM được tính là 90 phút và cơ thể ta dễ thức dậy nhất là khi một quãng REM vừa kết thúc. Đồng thời, việc thức dậy vào trong khoảng thời gian REM (mà chưa kết thúc) sẽ khiến ta rất mệt mỏi và khó thức dậy. Vậy nên tôi đã luyện cách tính giờ ngủ của mình theo quãng một tiếng rưỡi – nghĩa là nếu bạn muốn thức dậy vào 6h sáng thì bạn ngủ lúc 12h (nghĩa là sẽ có thời gian ngủ cho 4 quãng REM) sẽ khiến việc thức dậy dễ hơn so với ngủ lúc 11:30 hay 12:30. Thường tôi sẽ lên giường vào lúc 11:30 để đến 12h ngủ thiếp đi là vừa. Lí do tôi tin vào phương thức này là mỗi lần tôi ngủ “lệch múi giờ” thì chắc chắn ngày hôm sau sẽ dậy muộn theo đúng khoảng thời gian mình ngủ lệch. - Đọc sách và học bài
Tuy rằng bản thân tự nhận là người ham đọc sách nhưng quả thực đọc sách được một thời gian là đầu tôi tự động mệt dần. Hơn nữa, nếu có một thứ mà tôi học được ở trường đại học thì đó chính là học bài là cách gây buồn ngủ dễ nhất (tôi chưa bao giờ nhận mình là học sinh gương mẫu). Vậy nên tôi sẽ thường dành 1 giờ trước giờ đi ngủ để đọc sách – sách càng nghiêm túc và khó hiểu càng tốt (ngoài ra các nghiên cứu cho thấy việc đọc sách hoặc học kiến thức mới trước khi ngủ có tác dụng hơn rất nhiều so với ban ngày vì não có thời gian khi ngủ (mơ) để lắp ráp thông tin và ghi vào bộ nhớ) hoặc bật một bài giảng về chủ đề khá khó (ví dụ như môn thần kinh học trong tâm lý chẳng hạn). Chỉ vài phút trôi qua là đảm bảo có thể ngủ say – khác với xem phim trước khi ngủ vì khi xem phim ta thường bị cuốn vào nội dung và não sẽ không dừng hoạt động để nghỉ ngơi.Quả thực tôi đã thử không dưới 20 cách khác nhau để cải thiện tình hình ngủ nghỉ của bản thân nhưng chung quy lại có 3 cách trên tôi lọc ra là có tác dụng nhất mà lại không hề tốn công và có thể gộp cả 3 vào cùng một lúc. Như hiện tại tôi đang theo quy trình:
- Làm việc tới 22:00
- Lên giường đọc sách hoặc học bài (hiện đang theo học chương trình Tài chính doanh nghiệp của Wharton Business School và đọc Kinh Dịch)
- Ngủ lúc 23:30
- Thức dậy lúc 5:30 sáng
Chúc bạn đọc ngủ ngon và có những giấc mơ đẹp!
(189)