Năm 2016 tôi nhận được email của Pocket về thành tích của bản thân trong năm qua – và kết quả là tôi nhìn màn hình ngang, rồi lại dọc, xa, rồi gần vẫn chưa thể tin vào mắt mình. Hôm nay tôi được vào danh sách đọc nhiều nhất thế giới trên Pocket (1% top).
Tôi thừa nhận mình đọc nhiều hơn đa số, nhưng đa số đó là 99% người dùng thì có vẻ hơi thái quá. Ít người biết rằng, thực sự tôi rất ghét đọc. Năm 1997, lúc ấy tôi vào lớp 4, bố mẹ tôi nhận thấy một đứa trẻ chỉ còn 1 năm nữa là về nước mà lại không biết đọc, biết viết lẫn biết nói tiếng Quốc mẫu xem chừng không ổn nên đã tìm cách kiếm cho tôi sách tiếng Việt để học đọc. Đường đường là một cô gái 9 tuổi xuân xanh, học vấn đầy mình, mà hàng ngày tôi bị ép nhìn trang giấy chằng chịt chữ, với dấu sắc, hỏi, nặng, ngã không hề thân quen.
Như vịt nghe sấm
Như gà nhìn đèn đỏ
Như đứa trẻ lần đầu xem cảnh bậy trên phim.
Không hiểu gì cả.
Quả thực lúc ấy nhìn vào trang chữ mà không có một chút ý niệm nào về những từ ngữ được viết ra quả thực là một cực hình. Mỗi ngày tôi nhìn nó rồi lại nhìn bố mẹ và tự nhủ mình đã mắc chứng bệnh khủng hoảng tuổi nhi đồng. Từ lúc ấy, cá nhân tôi đối với việc đọc có một sự kỳ thị không hề nhẹ. Tôi vẫn nhớ – quyển sách đầu đời đó là quyển Những tấm lòng cao cả.Thế rồi thấm thoát trôi đi, tôi học được tiếng Việt, vớt vát xin vào được một trường cấp 2 ở Việt Nam với môn ngữ văn luôn ổn định ở mức 3-5 phẩy trung bình. Rồi vớt vát tôi tốt nghiệp cấp 2, thi đỗ trường Ams, nhận học bổng đi du học cấp 3 và rồi vào đại học ở Mỹ. Đám sách đó vẫn day dứt không chịu buông tha, ở Mỹ mỗi ngày học sinh phải đọc trung bình vài chục tới vài trăm trang. Trong trường hợp của tôi thì thảm hơn – trung bình 2 ngày đọc một cuốn sách và đến công việc làm thêm cũng ở trong thư viện.
Và rồi lớp 6 là Les Miserables, Thép đã tôi thế đấy, lớp 7 là Chiến tranh và Hòa bình, Pride and Prejudice, lớp 8 là Shakespeare, lớp 9 là Cuốn theo chiều gió, Con hủi, Madam Bovary, Scarlet Letter, To kill a mocking bird và đến lớp 11 thì có lẽ không có quyển Classic nào mượn được, mua được là chưa đọc qua, tôi quyết định quay sang đọc Tứ thư Ngũ kinh. Lúc học đại học tuổi thanh xuân bị vùi dập trong tầng hầm với 2 triệu đầu sách (đi làm thêm nghề xếp sách ở Thư viện), tôi bắt đầu nhận thức được một đời người quả thực ngắn ngủi, trí tuệ một con người có nghĩ nát óc 90 năm cuộc đời cũng không là bao nên tôi lao vào đọc sách, như thể luyện Hấp tinh đại pháp không có gì không đọc, không có gì không hút vào người. Thông qua mỗi một quyển sách, tôi trải nghiệm một đời người của người viết. Và thế là các bạn ạ, tôi chính thức trở thành một con mọt sách.
Nhưng cái quan trọng nhất không phải là khoe khoang tủ sách của mình có bao nhiêu quyển, thuộc được tên bao tác giả, hay trích dẫn được bao vần thơ Shakespeare – cái quan trọng nhất của sự đọc không phải tìm kiếm sách nói gì với ta mà là những gì trong sách ấy đã khơi gợi trong ta những mầm mống gì. Và đỉnh cao của viết lách là tạo ra được những quyển sách không chỉ ra sự thật, không giảng dạy người đọc, không nâng cao quan điểm, không lý luận, không chứng minh, không thuyết phục mà thay vào đó, nó khiến cho kẻ đọc phải vặn não suy nghĩ, phải tự vấn lại bản thân, quan điểm sống, niềm tin, hiểu biết để nở rộ hoặc đôi khi để nhận rằng mình đã sai, và đôi khi để biết mình đang thay đổi. Đọc sách là một phần trải nghiệm cuộc sống của người đi trước, cũng là phát hiện ra trong con người ta có khả năng thay đổi, có khả năng mở rộng, có một mầm mống dần tươi tốt – đó là tri thức, đó là quan điểm, đó là trí tuệ.
Tôi học được sự hiểu biết đích thực không nằm ở việc bạn thuộc bao phương trình, nhớ được bao kiến thức, trích dẫn bao cổ nhân, mà nó nằm ở sự hiểu biết do mình tìm ra, hoặc nhờ bên ngoài khêu gợi mà khải phát. Sự hiểu biết đó, không được in ra, không được chứng nhận, không đươc vỗ tay mà nó mãi mãi hằn sâu vào từng nếp nhăn trên khối óc mình. Sự hiểu biết đó có thể chưa được ai minh chứng, thậm chí có thể sai hoàn toàn – nhưng nó là sự hiểu biết của bản thân ta, do ta khai phá, ươm mầm và nuôi nấng. Sự hiểu biết đó là sự hiểu biết thiên chân nhất.
Vì vậy, các bạn trẻ à, hãy cầm lấy cuốn sách gần mình nhất, cho dù nó là một áng văn thơ, hay là sách khoa học, hãy nhìn vào nó, cho dù có chán ngán tới đâu, hãy đọc chữ đầu tiên, rồi chữ thứ hai, thứ ba cho tới trang cuối vì chặng đường đó hoàn toàn xứng đáng.
Nhưng quan trọng hơn, các bạn à, có đọc những dòng trên, thì cũng đừng tin tôi vội, hãy tự trải nghiệm và tìm ra chân lý của mình. VÌ tất cả chúng ta đều từng có lúc phải học đánh vần, với tôi đó là năm lớp 4, nhưng với bạn thì sao?
(227)