Năm 6 tuổi lần đầu khái niệm “mọi rợ” rơi vào vốn từ vựng, và tầm nhận thức nhỏ nhoi của tôi. Khi tôi đang cho bồ câu ăn ở quảng trường Vaclav, một bà già người Tiệp gào lên “Cút về Trung Quốc đi con mọi”. Sau đó là một lần nhìn thấy một cửa hàng ở nước nào đó của Châu Âu dán giấy “Cấm Người Việt Nam”.
Tôi không biết những đứa trẻ lớn lên ở hải ngoại khác có bị ám ảnh với vấn đề sắc tộc, phân biệt, kỳ thị và mọi rợ như vậy không hay tôi quả thật là một đứa trẻ bệnh hoạn và thù dai. Lúc đó thật sự tôi không lí giải nổi tại sao người với người trên đời lại chia ra giai cấp, phẩm vị, tước hàm, vai vế tôi không hiểu được sự phân biệt đó xuất phát từ đâu, dựa trên cơ sở nào, tại làm sao, và có ích lợi gì chứ. Vậy nên tôi lớn lên với một sự mặc cảm nhất định về màu da và nguồn gốc của bản thân. Những lúc ấy tôi lại nhìn màn hình TV với những đứa trẻ da đen nhắn nhúm, còi cọc và tự an ủi – thôi ít ra mình đã không đầu thai vào Châu Phi, chúng nó có vẻ khổ hơn.
Hình như tôi quá lan man rồi. Đợi tí, đâu đó cuối cùng ý chính cũng sẽ xuất hiện thôi. Đại để là tôi từ chối chấp nhận sự phân biệt sang hèn, mọi rỡ với văn minh dớ dẩn ấy.
Quay lại câu chuyện thời bé đầy đau đớn ấy, một buổi sáng năm 1997, tôi xin mẹ 1000 Koruna để đóng tiền ăn trưa ở trường, nhét ngay ngắn vào vòng cổ đeo thẻ học sinh của mình, cả buổi sáng cứ kiểm tra xem nó còn ở đó không. Vào giờ thể dục, tôi nhét chiếc thẻ cẩn thận vào trong cặp trước khi ra khỏi lớp. Khi tôi trở về kiểm tra, chiếc thẻ và tiền biến mất. Trong sự bàng hoàng, chưa biết chấp nhận sự thật của tôi một bạn trai lao vào phòng học kéo cả lớp vào nhà vệ sinh nam. Thẻ học sinh của tôi bị ném vào bồn cầu, đứa nào ăn trộm còn đi ị một trận tung tóe lên nó, không dội nước, để cứt nổi lềnh phềnh như một sự sỉ nhục với tôi. Tôi ngẩn ngơ nhìn ảnh của mình, cười nhăn nhở hở hết cả răng sún giờ bị quệt cứt lên. Và trên gương nhà vệ sinh sơn dòng chữ “Cút về nước của mày đi con Mọi”. Tôi đi về nhà, cố bước thật chậm để không phải về tới nhà. 1000 Kurona lúc đó bằng 50USD. là một khoản tiền vô cùng lớn tại thời điểm đó, nhưng quy đổi lui lạm phát và tính với giá trị sức mua tại Việt Nam quá dài dòng nên thôi không tính nữa. Nhưng trong đầu đứa trẻ lớp 3 thì nó to bằng cả tỉ tỉ tỉ luôn ấy. Nó đủ sức nuôi béo tất cả trẻ em ở Châu Phi, có thể mua hết cả cửa hàng bim bim, và thậm chí xóa đoi giảm nghèo cho cả nước Việt Nam. Tôi chưa bao giờ gặp phải cảm giác bất công lớn đến vậy, sự xâm phạm và sỉ nhục như vậy.
“Tại sao? Vì tôi là con Mọi”.
Tôi khóc đến thê thảm, trong trời giá lạnh dưới 0 độ C, nước mũi liên tục đóng đá, cứ cậy đi lại thòng lòng ra mọt đợt mới, đóng băng, rồi lại cậy. Tôi quyết định tự tử, nhưng vì chưa nhiều kiến thức trong môn này nên nghĩ ra cách tự tử ngu nhất là đâm đầu vào ụ tuyết, chưa đủ, còn vùi mình vào đó nữa. Cứ khóc trong tuyết như vậy đến khi nước mắt cũng đóng băng và chọc vào mặt, vào mắt đau quá thì tôi từ bỏ ý đồ tự tử mà vác xác về nhà, vừa ôm mẹ, vừa xin lỗi, vừa khóc đến khản cả tiếng. Cuối cùng là một trận viêm phổi kéo dài cả tháng. Câu chuyện này sau này trờ thành đề tài luận văn giúp tôi đõ đại học ở Mỹ và nhận học bổng, tất nhiên ngoại trừ đoạn những đoạn có sự xuất hiện của nước mũi.
Rồi tôi về nước năm 2000. Bố mẹ tôi hứa rằng về Quê hương nó khác con ạ, đó là nhà, là quê, là nơi mình thuộc về, sẽ không còn cảm giác bất an đi đường nhìn trái nhìn phải nữa, sẽ không còn ai coi thường mình nữa, sẽ không còn những lần bị quây lại bắt nạt nữa, và các bà già sẽ không còn xắn váy lên vừa gào vừa đuổi nữa.
Nhưng rồi sao?
Mười ba năm trước tôi đi xin Visa Mỹ, từ cái thời mọi thủ tục làm bằng giấy, tại chỗ, xếp hàng. Trong ngày hè nóng nực, hàng dài con người xếp hàng trên phố Ngọc Khánh. Bảnh bao, sáng sủa dáng doanh nhân có, trẻ trâu tóc xanh tóc đỏ sắp đi du học có, đầu to mắt cận có, và đâu đó là những người lao động nhem nhuốc cũng có. Tôi nhìn thấy cảnh một bà cụ không biết đi đường nào bị bảo vệ của Sứ quán Mỹ nạt nộ ầm lên đẩy vào, rồi cũng con người đó ngay sau đấy quay ra cúi đủ 45 độ mở cửa cho ông Tây mặc vét đi vào. Lúc đó tôi còn nhỏ, vốn từ vựng chưa phong phú, mắng người chưa giỏi nên chỉ biết ngẩng lên nhìn ông ta hỏi một câu “Tại sao?”
Ông ấy im lặng.
Sáu năm trước tôi về nước lần nữa, làm tại một công ty Nhà nước về nông nghiệp. Tôi phát hiện ra một thứ rất thú vị, là những người ở đây họ làm quen với nhau bằng cách hỏi quê. Điều này với đứa ngáo ngơ như tôi thật sự rất kỳ lạ, là một địa danh nào đó có thể gắn kết con người với nhau trong tích tắc. Nhưng rồi chưa kịp hí hửng với phát hiện đấy lâu, khi có người hỏi quê của tôi ở đâu, cứ tưởng dõng dạc mà “Hàng Gà ạ!” mà hòa đồng được với đồng nghiệp, ai dè mấy cặp mắt đó quay sang nhìn tôi với ánh mắt không thân thiện gì cả. Rôi tôi chứng kiến cũng những con người ấy, giọng tuy còn ngọng líu ngọng lô, chân tay còn bằng chứng của một cuộc sống nặng về lao động, chính họ, khi tiếp người nông dân mang rau lên, chú này trông còn thê thảm hơn – mồ hôi dầu nhễ nhại, chiếc áo cháo lòng nhăn nheo, còn dấu tay bẩn vừa chùi lên bên hông áo, với đôi dép mòn và khuôn măt đầy nếp nhăn và tấm lưng còng còng, lệch lệch; bằng cái tiếng địa phương nặng chịch đó họ hạch sách, khinh bỉ, bịt mũi nói chuyện, vòi tiền và đuổi người. Lúc đó tôi chỉ thầm thì “Tại sao?”
Thật đấy? Tại sao? Thế đéo nào?
Tôi có thể hiểu một số người bằng một tư tưởng lệch lạc nào đấy, hoặc sự dạy dỗ bệnh hoạn nào đấy mà lớn lên tin rằng mình là dân tộc, là giống người ưu việt hơn. Nhưng tôi không thể hiểu nổi tại sao những con người cách đây ít lâu thôi còn đang chân lấm tay bùn, tủi tủi xếp mình vào nhóm người yếu thế – nghèo khó, quê mùa mà chỉ vài phút sau khi có một mẩu quyền lực và điều kiện thì quay sang đổi phe ngay được? Các người từng là người yếu thế cơ mà? Hãy nhìn xem, trong một cơ quan kẻ hách dịch nhất là ai? Không phải thủ trưởng đâu! Mà là ông bảo vệ!
Cái đó tôi nghĩ còn ác độc hơn cả, xấu xí hơn cả. Không phải là sự tự cao và kệch cỡm của việc coi mình trên người khác mà là sự tráo trở của người quay mặt ngay với đồng bào của mình khi có cơ hội trèo cao.
Tôi có một cô bé kế toán người Hà Tĩnh, hai chị em không có bố mẹ nuôi lớn, tự dựa dẫm vào nhau mà ăn học. Nó học hai bằng, trường xuất sắc, tốt nghiệp thủ khoa, em gái vừa lên Hà Nội học đại học. Ba năm trước tôi gặp nó là khi nó còn sinh viên, tới nhà dọn dẹp cho tôi với giá 40k/h. Tôi quan sát nó một năm rồi kéo đến công ty dạy nghề. Giờ là nhân viên chính thức tôi sắp xếp cho nó vào ký túc của công ty sống với các nhân viên khác. Có hai cô bé Phú Thọ, Thái Bình ở cùng, cũng ngọng níu ngọng nô nhưng thích trang điểm, đi quẩy, mơ làm hoa hậu, thi hết các cuộc thi sắc đẹp, từ kiểu người-đẹp-phân-bón đến Vietnam’s next top model, lần nào cũng chỉ vào được cái vòng đầu tiên rồi trượt nhưng được cái chăm chỉ năm nào cũng thi cật lực, thi bán mạng. Hôm vừa rồi tôi nghe được câu chuyện, cô bé liên-tục-trượt-hoa-hậu bình phẩm
Kiếm tiền bằng việc osin mà bản thân chả sạch sẽ gì cả.
Nghe chuyện đấy tôi ứa nước mắt, vừa thương con bé, vừa muốn đi oánh bỏ mẹ cái con não mọc dưới đít kia. Số phận chỉ là đòn bẩy, và đéo có cái thằng nào có quyền khinh bỉ mình cả. Osin thì đã làm sao? Có ăn mất miếng cơm nào của mày không? Tắm thì có thể sạch được chứ bẩn tính thì không gột đi được đâu. Sao không bảo nó thế hả? Cứ mạnh dạn mà táng nó đi, đánh thua thì ít ra cũng sướng tay. Nhưng tôi biết rằng đó không phải là cuộc chiến của mình vì tôi không thể đi bắt nạt con bé kia chỉ vì mình to hơn được. Vậy nên đành nhịn xuống và ước thầm nó vùng lên khủng long đại chiến với đứa bắt nạt nó.
Có một lần đang thuyết giảng ở trường Đại học Ngoại Thương – một cậu bé giơ tay hỏi:
Nếu chị không được sinh ra vào gia đình Hà Nội gốc với điều kiện như vậy thì chị nghĩ mình có thành công nổi không? Tôi cười vào mặt cậu ta, và trả lời: em nghĩ em không có xe biển 29-30-31 mà em kém cỏi khi ra đường sao? Hãy tưởng tượng khi em cầm chiêc hộ chiếu màu xanh ra nước ngoài cảm giác ra sao? Em nghĩ em nói giọng địa phương mà tủi thân, thì em hãy thử nói giọng có khẩu âm quốc ngữ của mình khi ở xứ người? Em nghĩ em bị coi thường vài lần đau đớn sao, vậy em hãy thử bị người lạ tấn công ngay trên ga tàu chỉ vì màu da đi? Vì em Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình mà em thấy khó sống ở Hà Nội á? Vậy đồng bào người Việt sống ở đất khách quê người dễ dàng sao? Tôi tin vào sự công bằng, và rằng cơ hội đến với tất cả mọi người bất kể xuất thân, học vấn, gia đình; nhưng tôi cũng tin thằng thua thì sẽ đổ tội cho số phận, còn người chiến thắng thì coi số phận là đòn bẩy. Vì tôi cứng đầu thế nên tôi tin chắc em có cơ hội ngang tôi, vì tôi cứng đầu như thế nên một ngày nào đó chắc chắn tôi sẽ thành công.
Cậu ấy im lặng.
Sau nhiều năm, sau nhiều lấy chan cơm bằng nước mắt, mặt tôi cũng phải buông xuống lăng kính màu hồng phủ lên những năm thơ ấu để hiểu cuộc sống đơn giản là vậy. Sự công bằng tuyệt đối sẽ không bao giờ có được, ngay cả khi đến ngày Việt Nam tốt nghiệp lớp Quá độ và đi lên được Xã hội Chủ nghĩa, cho đến ngày nào còn con người, còn xã hội thì sẽ không có sự công bình tuyệt đối, sẽ không có chuyện người với người, nghèo đói – giàu sang, thành thị – nhà quê, quốc tịch này – quốc tịch kia, da trắng – da đen – da nâu – da vàng – da cầu vồng đứng sánh vai không một sự ngăn cách, không một sự kỳ thị. Nhưng quan trọng hơn hết đó là không ai có thể làm mình cảm thấy tệ nếu không phải mình cho phép họ.
Câu hỏi của tôi năm 6 tuổi hỏi bố mẹ “Mọi rợ nghĩa là gì ạ?” có lẽ sẽ không bao giờ có một câu trả lời thỏa đáng. Vậy mọi rợ chính xác là cái gì? Sang hèn có bao giờ thôi tồn tại? Giữa người với người có bao giờ có công bằng không tuyệt đối? Quan trọng hơn là kẻ đi kỳ thị và kẻ kỳ thị ai mới là Mọi rợ? Và tất cả chúng ta thật sự Mọi rợ đến đâu nếu cùng là xương là thịt, cùng là các tế bào, là mô hợp lại? Là tinh trùng là trứng, là mộ nhúm phân tử, nguyên tử, hạt dính với nhau mà tạo thành?
(939)