Người trẻ thường ghét bị những người xung quanh nói phải sống thế này, sống thế nọ.
Vâng, tôi biết.
Nhưng tôi không phải người lớn tuổi, tôi, như các bạn – cũng chỉ là một đứa trẻ.
Hình như từ bé cuộc đời đã xếp đặt để bản thân tôi không bao giờ được bước chân vào thế giới người lớn, đơn giản vì mình luôn tồn tại trong thế giới của những người lớn hơn. Nghe kỳ cục nhỉ, vậy tua lại chút nhé.
Khi tôi nhỏ, cộng đồng người Việt ở Tiệp không quá nhiều, phần lớn bạn bè đều hơn tôi 3-4 tuổi nên việc một đứa loắt choắt chạy theo một đám thiếu niên chạy đi đá bóng, phá phách là ngày bình thường. Vì tôi bé nhất, nên ít khi bị đánh nhất.
Lớn lên một chút, cuốn theo chuyện học hành, trường lớp thì năm lớp 8 tôi bắt đầu ngồi cùng lớp với các anh chị đại học năm nhất trường ĐH ngoại ngữ, ĐHQG. Vì học giỏi nhất lớp, nên thầy cho học thẳng với hội đại học luôn. Một lần nữa, lại trở thành đứa nhỏ nhất trong tập thể.
Lớn hơn, thì tôi đi làm, phần lớn các anh chị trong ban giám đốc đều một vợ/chồng hai con, trong khi bản thân tôi vẫn có những ngày vì ăn no quá mà sáng không ngủ dậy đi làm đúng giờ được. Ở một khía cạnh nào đó, tôi tự thấy mình không được cho cơ hội làm người lớn. Từ bé luôn là đứa nhỏ nhất, được chiều chuộng nhất nhưng lại sống trong thế giới của những người lớn hơn – phải hiểu chuyện hơn các bạn nhỏ khác, không được phiền phức, tham gia đóng góp kinh tế gia đình từ bé v.v Vậy nên một cách kỳ cục nào đấy, tôi tự phong cho mình làm đứa trẻ già nhất mà mình biết tới. Vậy nên các bạn ạ, nghe thử góc nhìn của một người như các bạn, còn đầy hoài bão, tuổi trẻ nhưng với một tâm hồn có phần già cỗi này nhé.
1. Đừng quá quan tâm người khác nghĩ gì
Tôi thấy các bạn trẻ Việt Nam ngày nay, tinh thần nổi loạn hơn nhiều so với chúng tôi lúc thiếu thời. Các bạn có trí thức, hoạt động nhiều và có chứng kiến của bản thân. Nhưng tất cả những tính cách đó chỉ thể hiện phía sau bộ bàn phím, còn thật lòng mà nói, phần lớn đều sống bằng những kỳ vọng của xã hội.
Các bạn muốn vào trường tốt không phải vì học vấn, mà vì bằng bạn bằng bè. Mọi người đều ấp ủ một giấc mơ lớn nhưng sợ bố mẹ không đồng ý. Các bạn diện phục sức, trang điểm để xuất hiện nhưng nơi đông người rồi mong chờ người khác nhìn về phía mình cho dù những cái nhìn đó chỉ kéo dài vài giây. Các bạn check-in, viết tút deep để rồi mong câu được vài cái like đi lạc.
Tôi cảm thấy tuổi trẻ bây giờ thiếu đi tự do hơn bao giờ hết, vì tự do đã bị bóp chết bởi ham muốn được xã hội công nhận.
Để được xã hội công nhận, hãy đứng cao hơn nó, chứ đừng ngước nhìn nó một cách thèm khát. Một lần thôi, hay làm điều ngu ngốc trước người khác, hãy tập cách sống thật với tính cách của bản thân vì cuối ngày, bạn sẽ không muốn đứng trước gương và cảm thấy xa lạ dưới lớp make up của mình. Hãy tập cách làm thân với chính mình trước, rồi hãng nghĩ tới việc được lòng thiên hạ. Hãy tự ra một hệ tư tưởng đạo đức và tư duy của bản thân và sống đúng với nó, trước khi khớp nó với những giá trị mà xã hội coi trọng. Dù bạn tự coi mình là người nhút nhát hay người tự tin – hãy một lần nhìn vào gương, và đánh giá chính mình theo thang điểm của bản thân, thay vì cố gắng đạt điểm 10 của mọi người. Vì thành thật mà nói, đéo có ai quan tâm tới bạn đến mức bạn nghĩ đâu.
2. Đừng vô học nữa
Tôi nói thật đấy. Khi nhìn quanh và hỏi quanh các bạn đang học gì, phần lớn đều trả lời là … học thêm. Nhưng phần lớn các lớp học này là lớp học kỹ năng, lớp học bán hàng, lớp dạy làm giàu nhanh, các lớp học trá hình chiêu mộ thành viên đa cấp.
Khi được hỏi bạn có kiến thức gì về triết học, vũ trụ, văn hóa, thơ phú hay nhạc họa, hay thậm chí biết nấu ăn không v.v mọi người phần lớn đều không có khái niệm gì cả. Khi tôi nói sự vô học ở đây, chính là tình trạng khi các bạn trẻ rời mái trường đại học, là dường như con đường học chấm dứt. Ngược lại, tôi cho rằng ra khỏi trường đại học thì việc học của chúng ta mới bắt đầu. Như thể 16 năm đèn sách đó chỉ là phần mẫu giáo, dạy ta cách tư duy, cách học để một ngày đẹp trời – ta thật sự bắt đầu học.
Hãy học lấy một môn ngoài ngữ và thật giỏi nó, kiếm thêm một văn bằng nữa nếu cần, hoặc không, hãy học gì đó mà bạn chưa bao giờ có cơ hội – học đàn, chơi cờ vây, cắm hoa, nấu ăn, võ thuật v.v cho tới những môn cao siêu hơn như môn chính trị học, hay thần học ít được dạy ở trường lớp vậy, nếu bạn học khối D hãy học thêm vật lý nguyên tử, nếu học khối A sao không thử học viết lách v.v
Não chúng ta từ khi đạt điểm đỉnh của sự phát triển các tế bào và nơ-ron, sẽ thoái hoá dần. Mỗi giây chúng ta mất đi 32,000 nơ-ron, vị chi là 1.9 triệu nơ-ron trên một phút. Hãy tìm cách tái tạo lại não hàng ngày, hàng giờ, và nhồi nhét cho nó thức ăn – tri thức
Không là bị ngu đấy.
3. Dừng sống cho bố mẹ
Các phụ huynh xin đừng vội gạch đá, quả thật tôi không xúi con em các anh chị nổi loạn. Nhưng hiện tượng giới trẻ đổ toàn bộ trách nhiệm cho cuộc sống của họ lên đầu phụ huynh là một sự hèn nhát lây lan, và vâng, các vị phụ huynh thân mến, các anh chị đang góp phần vào thứ bệnh tật này.
Các bạn trẻ ngày nay – trong thế kỷ thứ 21 cấp tiến này, vẫn đang chọn trường, chọn môn, chọn việc, chọn vợ, chọn chồng theo ý kiến của bố mẹ. Bạn xem xem, chỗ đấy gom lại chẳng bằng quyết định của đời người sao? Đã đến lúc chúng ta tự chịu trách nhiệm cho cuộc đời và hạnh phúc của bản thân mình rồi – hãy chọn ngành học bạn thích cho dù nó có không phổ biến tới đâu (nhưng hãy cố tự nuôi thân mình khi ngành học đó không kiếm ra quá nhiều tiền), hãy chọn công việc cho bạn thử thách và trải nghiệm (và làm nó xuất sắc), hãy chọn lối sống tốt nhất cho bản thân cho dù ước mơ của bạn có bị phản đối thế nà. Vì có thể lựa chọn của bố mẹ bạn là đúng, nhưng nó chắc chắn không phải lựa chọn mà bạn đưa ra. Việc đổ thừa sự bất hạnh của bạn thân vì người khác đã đưa ra quyết định hộ mình là một cách sống lệch lạc và không đem lại lợi ích gì cho bất cứ ai cả.
4. Hãy tập sống trong cô đơn
Tôi nhận ra, con người trong xã hội hiện đại đều sự cô đơn, và giới trẻ thì đặc biệt lảng tránh nó. Các bạn lớn lên đã tam đại đồng đường dưới cùng một mái nhà, rồi lớn lên sống trong tập thể, đi học đạ học thì có bạn trọ, bạn cùng phòng đi làm cũng bước vào tập thể, lấy vợ/chồng, đẻ con v.v dường như cơ hội cho riêng mình đã hiếm lại càng hiếm hơn ở các bạn trẻ. Ngay trong những buổi tối riêng tư, các bạn cũng không thiếu được sự kết nối – group chat, facebook, viber etc.
Điều đó không có gì sai cả, những đừng lảng tránh sự cô đơn. Vì chúng ta sinh ra cô đơn, và rồi sẽ chết đi cô đơn. Một người không thể dành thời gian cùng chính bản thân mình, thì cho dù có ở nơi tập thể nào cũng thật có trốn được cô đơn. Nên hãy đi xem phim một mình một lần trong đời, tự mình đi chơi và tận hưởng một ngày trong trầm lặng, hoặc tốt hơn nữa, hãy ở nguyên một chỗ, một mình, và tận hưởng sự yên lặng tuyệt đối ấy.
Chúng ta sẽ không thật sự hiểu bản thân, hoặc xác định được không có những mối quan hệ xã hội, gia đình thì mình là ai, có năng lực gì, có thể sống sót được không.
5. Hãy tập cách tiết kiệm
Thế hệ cha mẹ chúng ta phần lớn dành thời gian để tiết kiệm, vì họ đã từng đói và họ đã từng nghèo. Họ hiểu được sự đáng sợ của túng thiếu, và họ luôn dự trù cho những ngày mưa. Bậc trung niên, họ đầu tư nhà đất, mua vàng để giữ tiền và có ít nhất một cuốn sổ tiết kiệm cho con cháu ngày sau. Một trong những khái niệm đầu tiên chúng tôi được học về tài chính là “compound interest” – hay còn gọi là lãi suất kép (Đọc thêm: Sức mạnh của lãi kép) hãy hiểu nó, và vận dụng nó.
Hãy tiết kiệm thời gian của mình, dùng nó cho đúng mục đích. Hãy tiết kiệm công sức của mình, và tích lũy trải nghiệm dù kết quả có ra sao. Hãy tiết kiệm tiền bạc của mình, để có vốn liếng, độc lập, và an toàn tài chính. Hãy tiết kiệm tuổi trẻ của mình, để có kỉ niệm khi về già.
6. Quá coi trọng chuyện yêu đương, quá coi nhẹ tình yêu
Tôi chứng kiến quá trình yêu đương của giới trẻ Việt thay đổi – tôi đã từng nhìn những mối tình ngây thơ, thuàn khiết của chúng bạn cùng lứa, cũng đã từng trải qua những cuộc tình điên rồ của tuổi trẻ, rồi khi yêu đương không còn chỉ là nhu cầu trải nghiệm của tuổi trẻ nữa thì quay về lại thấy các bạn giờ đắm chìm vào tình yêu – yêu trên mạng, yêu học đường, yêu vong niên, yêu vì tiền v.v
Khi cậu J.T ra bài Forever Alone, tôi nghĩ nó chỉ là một lối mốt tạm thời – và khi chữ “FA” trở nên phổ biến từ miệng mỗi đứa trẻ, sang báo chí tuổi teen, và rồi cả Sticker của các phần mềm chat nữa thì tôi mới ý thức được nó nặng như thế nào với thanh thiếu niên. Forever alone, đã từng là một chủ đề rất hot của Tumblr nhưng giờ ở Việt Nam dường như nó là chủ đề của tất cả các bạn trẻ.
Các bạn quýnh quáng muốn yêu, câu ca thán phổ biến nhất là “không có người yêu”. Các bạn chấp nhận những mối tình nông cạn, mờ nhạt, vội vã cởi đồ, vội vã lên giường – nhưng lại không vì đam mê, không vì tình dục, thậm chí không vì sự tò mò. Các bạn vội vã yêu, rồi chia tay, vội vã dính bầu, và bác sĩ vội vã bảo cưới. Các bạn các bạn chán chường khi ảnh cưới còn chưa kịp phai, tiền mừng còn chưa tiêu hơn, rồi li hôn khi con còn đỏ hỏn, hoặc cặp bồ trước khi da bụng vợ kịp co lại.
Yêu đương lúc ấy như một thói quen của sự trưởng thành vậy – như làm chứng minh thư, học quân sự hay khai báo thường trú với phường vậy.
Như tôi nói ở trên – đây là hệ quả của việc quá coi trọng chuyện yêu đương, coi nó như một phạm trù về năng lực vậy, mà lại coi nhẹ chuyện tình yêu, hôn nhân, nhẹ nhàng, bừa bãi như một ván game có thể xóa đi chơi lại vậy.
Hãy học lấy cách hạnh phúc khi ở một mình, thì bạn sẽ hạnh phúc gấp bội khi tìm được ai đó.
7. Bước ra khỏi lũy tre làng
Tôi có đọc được một câu quote trên facebook của bạn – chúng ta cơ bản là những chú ếch, chỉ khác nhau cái giếng mà thôi.
Chúng ta luôn bị gông cùm trong sự hạn hẹp của thế giới quan của mình, và con đường duy nhất là mở rộng nhân sinh quan, là xách ba lô lên và đi! Bạn có biết, thực ra về tình dục, người Đức chính ra thoáng hơn người Mỹ? Bạn đã từng ăn món Guacamoli làm từ chính những cây bơ trĩu trái của Mehico (nơi cha đẻ của giống cây này), bạn có biết ớt chỉ thiên của chúng ta không là gì nếu so với sức cay của ớt Châu Phi (như các giống Habanero hay Trinidad scorpion?) Các bạn đã bao giờ leo núi Thái Sơn, hay tắm biển ở Mũi Hảo Vọng, hay nằm trên Tàu du hành khắp Ca-ri-bê?
Thế giới rộng lớn lắm, đừng trốn ở cái ao làng mình nữa. Hãy đi thật nhiều, hãy tập cách tiếp nhận các nền văn hóa, hãy học theo phong tục các nước, và tìm hiểu tinh hoa, tri thức của họ. Hãy chứng minh rằng mình là một dân của thế giới chứ không chỉ đăng ký thường trú ở xã, huyện, phường của mình với số điện thoại +84 này. Niềm thất vọng lớn nhất của tôi có lẽ là đã không kịp chuyến đi Cửu Trại Câu trước khi nó bị động đất phá hủy, chưa kịp đến Nepal trước một trận động đất năm 2015, hay tượng Phật Bahmiyan ở Afghanistan trước sự phá hoại của quân Taliban. Đừng làm người hối tiếc, hãy đứng dậy và bước đi.
8. Chưa bao giờ sống một mình
Lần đầu tôi tự ra nước ngoài, lúc ấy dừng ở sân bay Texas – và lần đầu nhìn thấy thứ gọi là người Mỹ – không phải vì trong đời chưa gặp ai quốc tịch này mà bởi chưa bao giờ gặp nhiều người Mỹ đến vậy. Họ cao lớn, họ béo tốt, họ ở khắp mọi nơi. Và chiều cao của họ khiến tôi cảm thấy mình thật bé nhỏ – khi đi qua máy scan hành lý, đầu tôi nhìn chiếu thẳng vào thắt lưng người đi trước, và người đi trước, và người trước đó nữa. Sang đến trời Mỹ, tôi phải tự đi khai báo, phải khệ nện lăn chỗ hành lý nặng gấp đôi thể trọng bản thân đi hết km này tới km khác kiếm nhà trọ; rồi học cách nấu ăn, thông cống, sửa vòi nước, thay lốp xe oto, thậm chí là làm sao để săn được lòng mề, tim gan ở lò mổ cải thiện bữa ăn hàng tuần. (Người Tây họ vứt hết nội tạng đi, chứ không ăn, chỉ có thể xin các butcher’s shop khi họ mổ con vật mới thì mới hòng xin được)
Tôi khuyên các bạn, ngay sau khi cảm thấy đôi cánh mình đủ vững vàng, ngay trước khi cảm thấy muốn ổn định, lập gia đình – hãy sống một mình, hãy sống sót một mình, và hãy sốt tốt một mình. Ba thứ ấy, rất khó đạt được cùng một lúc, nhưng hãy cố. Vì năng lực của bạn có lợi hại tới đâu, bạn có kiếm được nhiều tiền đến đâu thì chết vì tự ngộ độc khi ăn đồ mình nấu nó vẫn kém cỏi như nhau thôi.
“Youth is wasted on the young.” – George Bernard Shaw
(511)
3 thoughts on “Người trẻ tuổi đôi mươi – đừng sống lãng phí nữa!”