Ok chúng ta đều muốn làm sếp – nhưng bạn chọn vai trò doanh nhân, nghệ sĩ hay quản lý?

Hôm nay, ba người chúng tôi – một anh giám đốc doanh nghiệp thuộc diện siêu bự, một giám đốc trẻ đang khởi nghiệp và tôi, con sen của 2 người đó chen chúc quanh chiếc bàn nhựa của quán bún đậu và chụm đầu nghe bài phỏng vấn trên đài Hà Nội của anh GĐ siêu bự và tôi về chủ đề an ninh, an toàn cháy nổ tòa nhà.

Anh GĐ bự xuýt xoa với cậu còn lại “Mày xem nó chém mượt chưa kìa, ai không biết chắc tưởng nó làm chuyên gia phòng cháy chữa cháy”. Khi chúng tôi về lại văn phòng, tôi mang những bức ảnh chụp được từ chuyến đi công tác Đăk Lak khoe với anh em trong hợp tác xã Xuân Thủy (chúng tôi luôn cảm thấy chữ “tập đoàn” nghe quê mùa và tự phụ nên luôn gọi nhóm công ty là hợp tác xã) nhiều người ngạc nhiên khi biết hồi xưa tôi từng theo đuổi nhiệp ảnh, thậm chí còn vào đươc vài giải triển lãm hồi đi học.

Nói dài, nói dai, chung quy lại tôi vẫn cảm thấy ray rứt suốt mấy năm nay về cách mình theo đuổi kiến thức và kỹ năng. Chúng ta nên tập trung xây dựng theo chiều sâu hay chiều rộng?

Việc phải tập trung vào một chủ đề duy nhất và tu luyện tới tẩu hỏa nhập ma nghe như một cực hình với người thích nhiều thứ, pha chút tăng động suy giảm tập trung như tôi. Nhưng tất cả những cuốn sách kinh doanh, các mô hình học tập đều nhấn mạnh vào hai chữ tập trung. Điều này có nghĩa là mớ ba lăng nhăng trong đầu tôi là vứt đi?

Trong giới khởi nghiệp hay bàn tán rằng có 3 loại lãnh đạo trên đời: nghệ sĩ, doanh nhân và nhà quản lý.  Việc khởi nghiệp, và đặc biệt là ở Việt Nam thì thường các doanh nghiệp vẫn được quản lý bởi đội ngũ/ cá nhân sáng lập nên một người chủ có thể đóng cả ba vai trò nêu trên; đồng thời cũng thường phải kiêm nhiệm ba vai trò trên tại các thời điểm khác nhau – nghệ sĩ khi sáng tạo, phát triển sản phẩm; doanh nhân khi ra quyết sách, chèo lái công ty; và nhà quản lý trong mắt nhân viên.

Dưới đây là góc nhìn về mỗi vị trí:

Nghệ sĩ thích sáng/chế tạo: tạo ra sản phẩm, giá trị đòi hỏi một người phải nhìn thế giới thông qua lăng kính của người làm nghệ thuật – nhìn ra những thứ không có ở đó, mường tượng được những khả năng không tưởng với người thường. Nghe thật giống một nghệ sĩ phải không? Steve Jobs có lẽ là người được tung hô nhiều nhất với vai trò một nhân tài theo thiên hướng nghệ sĩ từ những thành quả của ông từ thời Pixar, tới hoàng kim của Apple.

Doanh nhân (hay Entrepreneurs) thích hiện thực hóa ý tưởng: Nghe có vẻ giống định nghĩa ở trên nhưng ở đây, việc hiện thực hóa các ý tưởng liên quan đến việc tạo dựng đội ngũ, hình thành tầm nhìn, chiến thuật, kế hoạch hành động v.v nhiều hơn. Chưa chắc họ đã là nhà khoa học phát triển sản phẩm, nhưng họ là người thúc đẩy và đưa được những ý tưởng đó ra thế giới. Elon Musk có lẽ là người nổi tiếng nhất trong lĩnh vực này.

Nhà quản lý là người chịu trách nhiệm cho đội ngũ, đảm bảo hiệu suất và tiến bộ của các cá nhân và đội ngũ: Những người này thường không quá giỏi hoặc đam mê với công tác kỹ thuật, sản xuất chuyên môn. Thay vào đó họ thường sở hữu kỹ năng con người dồi dào cộng thêm khả năng sắp xếp và kỉ luật.

Việc sở hữu duy nhất một trong những thiên hướng trên là khá khó nhưng việc xem xét bản thân có thiên hướng nghiêng về vai trò nào có thể giúp chúng ta tìm ra định hướng phát triển sự nghiệp dễ dàng hơn nhiều.

Hai nhân vật hay được đem làm tượng đài cho việc dân Kỹ thuật cũng có thể là những doanh nhân vĩ đại – Larry Page và Sergey Brin, là người đã thành lập ra Google mà chúng ta đều dùng hôm nay; là sư tổ của những đứa sinh viên google thông tin làm bài luận án, là những người sinh ra một trong những mạng lưới quảng cáo lớn nhất thế giới, cũng là người có công khiến trái đất “phẳng” hơn khi mà thông tin có thể dễ dàng kiếm tìm.

Với tư cách là người làm kỹ thuật, khi doanh nghiệp đã chứng tỏ được sự phù hợp về sản phẩm, và thị trường đón nhận thì họ đã ra quyết định là để một nhà quản lý có kinh nghiệm quản lý bước vào cuộc và mở rộng quy mô của doanh nghiệp này lên tới con số hàng chục tỉ đô như ngày nay. Người này là Eric Schmidt – ông vào Google với tư cách CEO vào năm 2001 – là khi nhà tôi tậu chiếc máy tính đầu tiên (mà còn chưa lắp mạng, hay dùng được công cụ tìm kiếm Google). Với kinh nghiệm làm việc ở các tập đoàn lớn, nơi công việc sản xuất và phối hợp được quy trình hóa, mà vẫn có background về công nghệ như Sun và Novell, ông ấy đã nhanh chóng mở rộng bờ cõi của Google.

Mark Suckerberg cũng thuộc nhóm nghệ sĩ, với tư cách là một nhà chiến lươc sản thần đồng. Anh ta cũng phải đưa Sheryl Sandberg (thuộc nhóm nhà quản lý) vào làm COO – giám đốc vận hành của Facebook. Sheryl Sandberg nhanh chóng bắt kịp guồng làm việc của tổ chức tưởng chừng như không hề phù hợp với bà – là một startup ở Silicon Valley với đám thanh niên nam giới trẻ trâu, nói tiếng công nghệ không nói tiếng người. Chính sự nữ tính, nhẫn nại và năng lực quản lý của Sandberg đã giúp cho Facebook lột xác từ hình ảnh startup non trẻ thành đại tập đoàn như ngày nay. Chúng ta nhìn thấy điểm này ở quá nhiều doanh nghiệp công nghệ – như Williams, Dorsey và Stone (toàn thuộc nhóm nghệ sĩ – doanh nhân) phải mời Dick Costello gia nhập làm COO (thuộc nhóm quản lý), và giờ là CEO của mạng xã hội khổng lồ Twitter.

Vậy nên, chúng ta với tư cách là những con tốt trong thời kỳ công nghiệp bàn giấy – nên xem xét lại mình thuộc nhóm thiên hướng nào? Và hai là, với thiên hướng đó thì vai trò của chúng ta trong công ty, trong tập thể nên là gì, bổ trợ cho những người xung quanh như thế nào. Bất cứ một doanh nghiệp nà cũng cần một sự vẹn toàn trong ban lãnh đạo, sao cho những tính cách cần thiết được vót nhọn, những không khập khiễng nghiêng về một phía nào thái quá.

Tôi tìm được vị trí của mình rồi, bạn thì sao?

(164)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *