Tôi có một bạn nhân viên. Bạn ấy giỏi. Không, phải nói là bạn ấy rất giỏi, lại có nhiều tài lẻ, tư duy tốt, có thể làm hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ với trình độ còn vượt qua cả những người có thâm niên lâu hơn.
Nhưng mỗi ngày tôi nhìn bạn ấy lững thững đi ra và đi về công ty, và bù đầu tóc rối với những khó khăn gặp phải trong từng tác vụ. Dường như bạn ấy chưa bao giờ làm một việc gì vui vẻ, hí hứng cả.
Rồi đến một ngày, bạn ấy suy sụp hoàn toàn, cả về tinh thần lẫn về sức khỏe. Tôi vật vã rất lâu để hiểu tại sao một chàng trai bóng sáng như thế, nhiều tiềm năng như thế có thể mệt mỏi tới mức này.
Tôi rất cố gắng thấu hiểu và gỡ rối nhưng rốt cuộc kết luận cũng không có gì thần bí cả. Và biện pháp cũng không có gì cao siêu cả.
cNghe thật sến phải không, nhưng thật sự tôi không hiểu được tuổi trẻ và những điều mong muốn không tưởng của họ – mong không sai, mong mọi thứ suôn sẻ. Vì kéo theo nó là những suy nghĩ xấu xí như – mình không đủ tốt, mọi thứ đều quá khó khăn – cuộc sống thật bế tắc. Những tư duy độc hại như vậy sẽ khiến bạn kiệt sức trong khi còn chưa bắt đầu động tay vào làm. Trong một danh sách dài những tư duy tiêu cực, dưới đây là danh sách những lối suy nghĩ độc hại gây hậu quả tệ nhất.
1. Giá trị của nằm ở cách người khác nghĩ về tôi
Không ai muốn thừa nhận điều này cả nhưng chúng ta đều bị ảnh hưởng sâu sắc bởi những gì người khác nói / nghĩ về mình. Chúng ta sống vì những chiếc like trên Facebook, e dè nhìn cách sếp và đồng nghiệp đánh giá về mình, và luôn cảm thấy khó duy trì nụ cười chuyên nghiệp khi người khác khiển trách mình. Nhưng thật sự điều đó quan trọng lắm sao? Bất kể là lời khiển trách gì cũng chỉ có hai kết quả thái: họ nói là sai? Đừng bận tâm, không, kệ mẹ họ!; họ nói đúng? Cảm ơn họ đã chỉ ra giúp mình rồi sửa đi.
Trường hợp 1: không nên vật vã
Trường hợp 2: không nên vật vã mà biết ơn và sửa đi
Nói chung là: không nên vật vã.
2. Quá khứ của tôi là hiện tại, là tương lai của tôi.
Quả thật, vượt qua những cảm giác tiêu cực của quá khứ – nuối tiếc, hối hận, sai lầm, bẽ bàng v,v là vô cùng khó. Nhưng bạn trẻ, thứ bạn giàu có nhất là thời gian. So với tôi, bạn có hơn cả chục năm để undo những gì mình đã làm trong quá khứ, để vun đắp xây dựng một thứ sáng sủa hơn trong tương lai. Dù thời gian qua bạn đã vất vả, thiệt thòi thế nào đi nữa hãy nhớ rằng mình có đến 40-50 năm nữa để sửa sai, để làm đúng. Bạn sẽ không yêu được người mới nếu không dứt bỏ được tình cũ. Cho dù tình cũ đó là quá khứ của bạn, hay con người bạn trước kia.
3. Mọi thứ đều do số mệnh sắp đặt
Đoạn này không phải sến nhé – là người nghiên cứu nhiều năm từ Tử vi lý số, Kinh dịch, thuật bốc phệ v.v tôi có thể khẳng định với bạn rằng tư tưởng sai lầm nhất là tin vào một lộ trình do số phận sắp xếp. Thứ nhất, vũ trụ không rảnh lắm, nên nó đưa ra một loạt các quy tắc khá đơn giản, như nhân quả, và các khái niệm hòa hợp – cân bằng (âm dương, ngũ hành, thiên-địa-nhân v.v) nhưng về bản chất chúng chỉ như tiền đề vật lý, nói về một xu hướng nhất định, nguồn lực chi phối vạn vật, và những nguyên tắc chung chứ nó không nói đích danh định vị bạn sẽ tiến tới. Mỗi một hành động của chúng ta, cho dù là hít thở thôi cũng ảnh hưởng tới tương lai vận mình của bản thân và người xung quanh. Vậy nên hãy làm những thứ tốt cho mình, từng tí từng tí một nhúc nhích tới cái tương lai mà mình tự định đoạt.
4. Những thứ tôi nhìn thấy là sự thật
Bạn có lẽ đã nghe nhiều lời khuyên như “tin vào bản thân mình.” Không, đấy là lời khuyên ngớ ngẩn, cẩu huyết nhất trên đời. Bản thân mình là thứ không bao giờ nên tin tuyệt đối. Chúng ta là những con vật bị chi phối bởi những thứ xàm xí nhất trên đời, và vì thế là đối tượng đáng nghi nhất chứ không phải kim chỉ nam của sự đúng đắn. Dù bạn đọc Freud hay Siddhartha đi nữa thì phương Tây và phương Đông đều đồng ý: chúng ta nhìn cuộc sống không khách quan dưới lớp màn che của cảm xúc và ham muốn. Mỗi lần bạn đối mặt với một tình huống tệ hại, hãy thử thật sự vận dụng mọi tài thám tử, tư duy, phản biện của mình để thách thức thực tại đó. Nếu bạn thật sự cố gắng, chắc chắn thực tế không hoàn toàn như bạn nghĩ. Nếu bạn vẫn nhìn ra sự việc tiêu cực – vậy thì khả năng lập luận của bạn hẳn có vấn đề (haha)
5. Mục tiêu của cuộc sống là sự viên mãn
Có một sự thật là, chúng ta sẽ chẳng bao giờ hoàn mỹ và đạt được cuộc sống viên mãn cả. Khi nhỏ giấc mơ lớn nhất là một bữa tiệc dẫn tới sâu răng, lớn một chút ta mong mỏi một cuộc sống dẫn tới gout; có việc muốn xe, có xe muốn nhà, có một vợ lại muốn… à mà thôi. Nói chung chúng ta thật sự rắt tham lam, với những nhu cầu vô bờ bến và đòi hỏi mọi thứ phải như ý muốn. Khi việc ngoài ý muốn xảy ra, cho dù đó là thất bại cá nhân, va chạm với người khác, hoặc mất mát những thứ quan trọng… Chúng ta phản ứng bằng nỗi đau, và sự dằn vặt. Viên mãn là một khái niệm rất độc hại chính vì nó trá hình dưới cái gì đó thật là tích cực nhưng sâu thẳm nó ăn mòn đầu óc của chúng ta. Tôi biết mình sẽ không bao giờ trở thành người giàu có nhất, đẹp đẽ nhất, và thành công nhất ấy vậy mà khi mọi thứ không đạt được những cái nhất ấy, tôi vẫn đổ vỡ. Thật ngu xuẩn phải không?
Một trong những bộ môn tôi yêu thích nhất là nặn gốm, vì bạn sẽ không bao giờ biết được kết quả cuối cùng ra sao, vì không ai có thể hoàn toàn kiểm soát ngọn lửa gốm, cách men chảy, hay phản ứng của đất nung dưới nhiệt độ cao cả. Mỗi một lần chúng ta chỉ có thể nín thở, hồi hộp, và cố gắng nặn ra những thứ theo chúng ta sẽ cho ra thành quả thật là ngầu. Cuộc sống cũng vậy, cần nặn, rồi chỉnh, rồi xoay vòng, rồi chịu nhiệt, để rồi mọi thứ theo lẽ tự nhiên khiến ta cứng cáp, bóng sáng, và có tác dụng cho đời.
Dưới đây là chiếc bát-ăn-mì-chuyên-dụng mà tôi mới nặn ra- hơi méo mó một chút, nhưng nói về nước men và độ bóng thì miễn chế!