Nghệ thuật tư duy: làm sao để tư duy tốt hơn và bị người đời ghét nhiều hơn (phần 2)

Phần 2 của bài viết này trong chuỗi bài về tư duy chính là phần liên quan tới việc Bị người đời ghét hơn. Nếu bạn chưa đọc phần 1 của bài viết về cách tư duy trong giải quyết vấn đề, quy nạp thông tin, lập luận, diễn dịch mời các bạn đọc bài viết này:

Nghệ thuật tư duy: làm sao để tư duy tốt hơn và bị người đời ghét nhiều hơn (phần 1)

Trong phần 2 chúng ta sẽ nói về tư duy trong mối quan hệ xã hội và các mental model có thể dùng để lý giải sự tương tác phức tạp giữa người – người.

5 cấp độ của tư duy

Phương pháp này được những người chơi Poker chuyên nghiệp sử dụng rất nhiều để có thể ra được quyết định trong một ván bài lớn. Có thể xem như, cả cuộc đời này là một ván bài vậy; bạn đi một nước, đối phương ra một nước; chúng ta không thể hoàn toàn hiểu được đối phương vì sao làm vậy, và thậm chí có những lúc cũng không hiểu nổi tại sao mình làm vậy. Nhưng cứ như vậy nước cờ của ta – nước cờ của người cứ vậy tung ra, mà khi ngả bài có lúc đắng cay chả hiểu sao mình lại thua.

Bạn ạ đó chính là vì ta không tư duy, hoặc tư duy chưa đúng, hoặc có nỗ lực nhưng không có phương pháp đúng đắn. Dưới đây, Nikki xin được giới thiệu5 cấp bậc của tư duy để ta có thể tập luyện theo phương pháp Poker:

  • Cấp độ 0:  Chả nghĩ gì cả
  • Cấp độ 1:  Tôi có gì trong tay?
  • Cấp độ 2:  Đối phương có gì trong tay?
  • Cấp độ 3: Họ nghĩ tôi có gì trong tay?
  • Cấp độ 4:  Họ nghĩ tôi đang nghĩ họ có gì trong tay?
  • Cấp độ 5:  Họ nghĩ tôi nghĩ họ nghĩ tôi có gì trong tay?
Họ nghĩ tôi nghĩ họ nghĩ tôi có gì trong tay?

Thật hại não phải không? Nhưng nó là phương pháp vô cùng tốt để chúng ta áp dụng trong tư duy khi đối mặt với các trường hợp phải phán đoán, và ra quyết định trong kinh doanh lẫn cuộc sống sao cho không bị che mờ bởi điểm mù của việc lười suy nghĩ. Vì khi ta nghĩ theo các tầng tư duy (cấp độ) khác nhau chúng ta không bị bó buộc bởi duy nhất 1 góc nhìn, mà có thể đưa vào các dữ liệu từ nhiều bên dẫn đến việc chặt chẽ logic của bản thân.

Làm đúng phương pháp này, bạn có thể góp nhặt được các nguồn dữ liệu đa chiều, phân tích chúng cặn kẽ, hiểu sâu sắc được ý nghĩa của những thông tin mình có, từ đó loại bỏ thông tin sai, hoài nghi, và phán quyết một cách chính xác hơn.

Những người có thành tựu về tư duy đa tầng (đủ 5 cấp độ) có khả năng phân tích dữ liệu với tốc độ cao, và độ chuẩn xác lớn vì họ có khả năng phân tích dữ liệu phân mảnh thành một bức tranh tổng thể. Từ đó họ có thể phát triển 3 kỹ năng tư duy của bộ não tượng trưng bởi 3 loại trí tuệ song hành:

  • Tư duy phân tích (analytical thinking)
  • Tư duy sáng tạo (creative thinking)
  • Tư duy thực tế (practical thinking)

Thực tế là ảo ảnh của cái tôi

Các quyết định mà chúng ta đưa ra không tự nhiên tồn tại; chúng được chấp hành, xử lý thông qua những Mental model (tạm gọi là Mô hình tư duy) được xây đắp bởi từng năm tuổi đời trải nghiệm, giáo dưỡng gia đình, văn hoá quốc gia, tôn giáo, trường học, xã hội v.v Nói chung là:

  • Trường đời tạo ra công thức
  • Công thức làm nên góc nhìn
  • Góc nhìn định hình cái tôi
  • Cái tôi đưa ra quyết định

Đó là cách chúng ta tư duy và nhìn nhận cuộc sống/ thế giới. Một con người lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn, luôn bị xếp hạng cuối trong cấp bậc ưu tiên, chịu thiệt thòi, bị xã hội và người thân nhắc nhở rằng mình sẽ thất bại, sẽ bị lừa lọc v.v sẽ rất dễ lớn lên với suy nghĩ cái gì cũng sẽ tệ đi – lỗi thì của Đảng, của nhà nước, của bọn nhà giàu. Họ sẽ đối mặt với những sự từ chối một cách khó khăn hơn – không xin được việc thì do không có quan hệ, không thành công là do không có điều kiện v.v Nhưng cũng con người đó vẫn có khả năng trở nên thành công nếu anh ta tư duy một cách khác – không có quan hệ thì phải nổi trội hơn về mặt khác, lợi thế của bản thân so với đám có điều kiện sẽ giúp anh ta khác biệt, những thất bại đó có thể cho bài học gì cho lần sau, đằng nào cũng xuất phát kém thì còn gì để mất, làm lớn thôi v.v

Những Mô hình tư duy đó – chúng ta dùng nó như phần mềm chạy ẩn, khi cần ra quyết định, trong đầu ta tính toán thiệt – thua, dự báo kết quả v.v Vậy nên hãy rèn rũa uốn nắn mô hình của mình sao cho kết quả quan sát, quyết định là sáng suốt nhất.

Cách mà tôi sử dụng 5 cấp độ tư duy Poker như sau:

  • Cấp độ 0:  Chả nghĩ gì cả
    Đừng vội tư duy, ra quyết định, hãy ý thức mình đang nằm trong điểm mù.
  • Cấp độ 1:  Tôi có gì trong tay?
    Nghĩ xem tài nguyên của mình là gì, đừng vội so sánh với người xung quanh. Nếu đang trong quá trình đàm phán thương thảo (dù là 1 hợp đồng lớn, hay cân bằng mối quan hệ với người thân) phải biết thành bại nằm ở việc đôi phương muốn gì trong tay bạn, và bạn có cho nó đi được không, hoặc giả bạn muốn giành gì từ họ thì cái bạn có liệu có đủ để trao đổi hoặc gây áp lực không.
  • Cấp độ 2:  Đối phương có gì trong tay?
    Tương tự, đối phương có gì trong tay? Mình có muốn thứ đó không? Họ có dễ dàng cho nó không? Hoặc giả họ muốn dùng nó gây áp lực vậy nó có đủ mạnh để ảnh hưởng tới mình không?
  • Cấp độ 3: Họ nghĩ tôi có gì trong tay?
    Điều này bắt đầu mở giai đoạn đấu trí. Họ nghĩ tôi có gì? Nếu họ nghĩ tôi có ít hơn (so với thực tế tôi có) có thể họ sẽ không quan tâm tới những gì tôi có thể cho họ; nếu họ nghĩ tôi có nhiều hơn (so với thực tế tôi có), họ có thể trở nên tham lam với những gì tôi không cho nổi; nếu tôi không có thứ họ nghĩ tôi có, điều gì xảy ra khi họ biết được?
  • Cấp độ 4:  Họ nghĩ tôi đang nghĩ họ có gì trong tay?
    Điều này khá buồn cười, nhiều người không chú tâm vào điểm này nhưng chúng ta đều khá ngu ngốc và nghĩ rằng đối phương nghĩ y như mình, và biết tuốt những gì trong đầu mình nghĩ, hoặc những lời mình muốn nói ra. Sai lầm thường xảy ra trong giai đoạn này, các điểm mù đặc biệt dày đặc ở đây. Việc biết được đối phương có những giả định gì về suy nghĩ của bạn rất quan trọng vì nó giúp bạn loại trừ hiểu lầm, hoặc tường minh được tại sao đối phương lại ra quyết định như vậy và né tránh dược những cái bẫy. Ví như, chúng ta hay nói mình không nên chấp nhặt với trẻ nhỏ, nhiều khi chúng nói ra những lời hỗn hào chỉ vì chúng không biết đúng sai, hay nói chính xác hơn chúng không có cùng hệ quy chiếu về phép tắc giống chúng ta, nhưng đối với một người trưởng thành có hệ quy chiếu khác thì sao? Không, chúng ta không thể chấp nhận được việc họ biết mà vẫn làm vậy. Nhưng có chắc là họ biết không? Hoặc giả góc nhìn và cách đối xử của họ dựa trên hệ quy chiếu khác thì sao?
  • Cấp độ 5:  Họ nghĩ – tôi nghĩ – họ nghĩ – tôi có gì trong tay?
    Bước cao nhất, cũng là bước hại não nhất. Nói một cách đơn giản hơn cụm Tôi có gì trong tay có thể được hiểu như bản ngã của chúng ta vậy; họ nghĩ như thế nào về bản ngã của ta? Đó là sự tôn trọng? Hay coi thường? Họ nể phục ta hay không coi ta ra gì? Chúng ta ra những quyết định dựa trên lòng tự ái rất nhiều; ta đưa ra giả định về cái tôi của bản thân, ta cũng cố dò xét người kia đánh giá về cái tôi của mình như thế nào, khi hai yếu tố này đi lệch xung đột về góc nhìn thay đổi rất nhiều.

Vì phần này tương đối rắc rối nên xin đưa một ví dụ cụ thể như sau để dễ hiểu:

  • Tôi là người chăm học; lại được cho tiền để học nên từ bé tôi học được khá nhiều (top 1% thế giới về lượng đọc) và được ghi nhận cũng khá nhiều (học bổng, Chủ tịch nước trao huân chương). Đấy là thứ tôi có.
  • Dựa trên lời của người khác nói, tôi nghĩ là những người xung quanh nghĩ tôi có trong tay là Kiến thức và Bằng cấpMỘT CÁI TÔI CỰC LỚN
  • Cá nhân tôi không hợm hĩnh về việc này; nhưng tôi có thói quen nói say mê về những gì mình quan tâm…Dù họ có nghĩ tôi huênh hang cũng đành, cá nhân tôi biết mình chỉ là hạt cát nhỏ trong bể học, lấy đâu ra kênh kiệu? Tôi không thay đổi được chuyện Họ nghĩ tôi nghĩ tôi có rất nhiều.

    Vấn đề bắt đầu xảy ra khi có những người lầm tưởng rằng, tôi nghĩ họ phải nể tôi lắm vì tôi có rất nhiều; họ cũng nghĩ chắc hẳn tôi không ý thức được rằng họ thấy tôi có một cái tôi lớn (nên mới không khiêm tốn như vậy). Vậy nên, phần lớn thời gian họ dùng để tấn công tôi với một lí do vô cùng cao đẹp – phải giúp tôi ý thức được mình không được huênh hoang!

    Thời gian đâu mà nghe tôi nói việc khác nữa.

    Họ nói, nói dài, nói dai, tìm mọi lí do để tấn công, tôi ngồi im họ cũng nói. Thực sự nó rất buồn cười. Hiểu được mục tiêu và thứ họ nghĩ, tôi lựa chọn không nói với những người đó nữa; vẫn chết dở – họ lại nghĩ là tôi nghĩ là họ không đủ trình độ để trao đổi về những phạm trù đó và vì thế càng thù địch, càng nỗ lực cảm hoá cái tôi và đào tạo sự khiêm tốn cho tôi.

    Khi tư duy được tầng số 5; tôi hiểu vấn đề không nằm ở chỗ họ – họ sẽ hành xử như vậy vì vì họ nghĩ tôi nghĩ họ nghĩ tôi có gì trong tay là như vậy. Mà nằm ở việc đối mặt với những dữ kiện đó quả thật tôi không giận họ; họ nghĩ như vậy quá dễ hiểu; quá tất yếu bởi tâm lý của họ chạy trên phần mềm Mental model như vậy. Lúc này tôi có thể được tự do khỏi những cảm giác tiêu cực mà họ mang lại; cũng không còn cảm thấy oan uổng tại sao mình bị đối xử như vậy; và cái tôi của tôi không được thể xông lênh xù lông xù vẩy. Nó cũng là lí do tôi dừng tìm sự đồng tình của tất cả mọi người và tìm đến sự hài lòng khi bản thân ở bước 1 biết rõ mình có và khong có thứ gì.

    Không phải ai cũng sẽ thấy đúng bạn nghĩ gì về thứ bạn có trong tay. Hãy chọn bạn mà chơi.


(218)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *