Nghe thật trái khoáy có phải không ạ? Chúng ta thường nghĩ đa số những người thành công hẳn rất thông minh, nhưng ngược lại những người thông minh mà thành công thì khá là hiếm.
Có khi tôi phải sửa lại tựa đề blog này vì thật sự thì 70% dân số tự cho là mình thông minh hơn mức trung bình, và cho dù đã rất cố gắng nhưng con người nói chung không đồng tình được với nhau thước đo chung của sự thông minh là gì – anh này học giỏi cũng tính là thông minh, chị kia tháo vát lanh lẹ cũng được coi là thông minh, còn dùng một chỉ sổ như IQ thuần túy cũng cho ra một kết quả khác. Hai nữa, lập luận bằng việc tự nhận mình là người thông minh xem chừng không khiêm tốn lắm có phải không?
Thôi tôi xin bắt đầu lại – tôi là người được khen là rất thông minh – từ năm 3 tuổi tôi đã thuộc tên các nguyên thủ quốc gia lớn, lớn lên một chút thì đỗ vào trường chuyên số một cả nước, thi học sinh giỏi cấp tỉnh thành và quốc gia, rồi sau đó thi giải toán Toàn quốc của Mỹ (và trượt thê thảm), rồi thi giải Luật cho học sinh cáp 3 (tạm vớt vát được do khả năng điêu ngoa bẩm sinh), lúc bé nói thành thạo 3 thứ tiếng, đến tuổi trưởng thành tạm gọi là dùng được 5 … Như vậy được tính là thông minh hay chưa tôi không rõ lắm nhưng từ bé số lời khen khá là dạt dào.
Đến một lúc nhất định tôi thấy ngộ độc với những lời khen – khi còn bé thì còn tạm được chứ khi làm người trưởng thành thì áp lực của nó thật sự rất mệt mỏi và thậm chí phản tác dụng.
Vì bạn biết không, trong thế giới của người lớn thì sự thông minh chả có ý nghĩa khỉ gì cả.
Nhưng những sự mệt mỏi đi kèm nó thì không hề giảm mà chỉ có tăng, sau đây là một số điểm thật sự lại ngăn cản sự thành công của chính bạn:
Chần chừ
Mọi người thường nghĩ khả năng tư duy tốt, hiểu nhanh sẽ giúp người ta giải quyết vấn đề và đi đến hành động nhanh hơn phải không? Hoàn toàn không phải thế – càng nhiều thông tin, càng nhiều thuật toán, càng nhiều số nhảy trong đầu thì con người ta càng không dám hành động, càng nhìn thấy nhiều rủi ro người ta càng chán nản. Vậy nên đừng thấy ngạc nhiên khi hình ảnh một doanh nhân thành đạt nhưng có phần thật thà, ngô nghê lại không khớp với tưởng tượng của bạn, nhiều khi biết ít giúp chúng ta vững bước và nắm bắt cơ hội nhanh hơn. Tôi bị ám ảnh với sự hoạch định – mở ra một công ty hay chuẩn bị mâm cỗ Tết, tôi đều chuẩn bị một cái Mindmap rồi chuyển nó thành lộ trình và kế hoạch hành động trong excel, project v.v nhưng hoạch định có làm nhanh tới đâu đi nữa cũng sẽ mất thời gian, và mỗi một bước, sẽ bao hàm những rủi ro nhất định. Giờ hãy tưởng tượng mình đang nhìn vào một bảng excel với hơn 1000 bước, tương ứng với hơn 1000 rủi ro lớn nhỏ. Nhiều khi tôi bị tẩu hỏa nhập ma trong đống bầy nhầy đó mà quên mất bức tranh lớn, và những mục tiêu lớn.
Người ta nói người thông minh thì thường hay nói nhanh và thói quen nói nhảm và nói nhanh của tôi đặc biệt gây hại vì nó gây ra cảm giác…
Kiêu ngạo
Nhiều khi sự nhiệt tính quá lớn về một chủ đề, và thói quen thao thao bất tuyệt về một thứ tôi đam mê (ví dụ như ảnh hưởng của giáo điều Khổng Tử trong xã hội hiện đại và trong bối cảnh thời Xuân Thu loạn chiến) có thể dẫn tới cảm giác khoe mẽ trong khi thực ra mình chỉ đơn giản là phấn khích như Sky nói về Sếp Tùng (?!) Bạn bè thân thiết lúc ấy đơn giản là bịt mồm tôi lại (thường bằng thức ăn) nhưng những người xa lạ thường phản hồi là nó gây cảm giác khó chịu và có phần dạy đời. Theo bài thi Myers Briggs – Jung thì tôi thuộc tuýp người INTJ hay còn gọi là “The Scientist” – vâng đúng như những nhà Khoa học hóa điên trong phim viễn tưởng, tin vào khoa học và logic tuyệt đối bất chấp xã giao, nên bạn có thể hiểu tài năng và sự nhạy cảm trong đối nhân xử thế của tôi thấp điểm thế nào.
Đó là những lần hiếm hoi tôi bị oan thôi, chứ thực tế ra phải thừa nhận người thông minh thường khá là
Xấu tính
Bởi lẽ khi bạn đã tin vào khoa học, vào logic rồi thì nhân sinh quan của bạn xoay quanh những con số, và các barem tuyệt đối chứ ít khi có sự nhạy cảm với những vấn đề nhân văn. Bạn có thể yêu thương người chồng/ vợ của mình vì tính cách, vì hình thức, vì nhân cách người ta thay vì trí tuệ không? Tất nhiên rồi. Nhưng điều đó có nghĩa là người đó không cảm nhận được là bạn sẽ không thích đàm thoại về các vấn đề hóc búa như String theory không? Có lẽ là có.
Nhiều khi ta phải kiềm chế trong tâm khảm mình sự đánh giá quá vội vàng một con người chỉ dựa trên trí tuệ và hiểu biết của họ. Điều này khá dễ khi đó là bạn, là người thương, nhưng thử nghĩ trong trường hợp của đồng nghiệp thì sao? Những người thông minh thường khá thẳng thắn trong chuyện chỉ ra vấn đề và phân tích lỗi sai và nhiều khi nó còn thể hiện sự coi thường trong đó. Đây là một trong những lí do người ta khó hòa nhập trong một tập thể. Tuần trước trong lúc ‘khuyên’ mẹ mình nên đọc sách để nâng cao trình độ và bảo vệ những tế báo não ‘đang dần héo mòn ở độ tuổi hậu trung niên’, mẹ tôi đã òa khóc vì tủi thân trong khi tôi vẫn đang há hốc mình không hiểu chuyện gì vừa xảy ra. Đây có lẽ là mặt
Vụng về
Những người thông minh thường hay gặp vấn đề về trí tuệ cảm xúc, nghĩa là không đo lường được tình huống cũng như phản ứng của người xung quanh và khiến ta trở nên lóng ngóng trong các mối quan hệ – với người thân, đồng nghiệp, hay khách hàng.
Tôi thường xuyên ra đường chỉ nói mình có duy nhất một bằng đại học và chỉ biết một ngôn ngữ, tôi ít khi nói về những chủ đề yêu thích hay khi bị hỏi sở thích là gì thường tôi trả lời là xem phim cho qua loa, cái đó không quá khó. Tuy nhiên, việc liên tục phải đăt câu hỏi là liệu mình nói như vậy có ổn không, có gây khó chịu cho ai không 24/7 là một việc vô cùng khó khăn, cảm giác như đang rón rén bước trên băng vậy. Việc không chấp nhận được những khó khăn hay không chịu nhìn thẳng vào những bất lợi của bản thân có thể khiến những người thông minh dễ dàng cảm thấy lạc lõng hoặc rơi vào trầm cảm. Vậy nên tôi đã dùng sáu năm cuộc sông tu tâm dưỡng tính, tập thiền và đi giảng dạy – để chọn đúng sân khấu mà thể hiện tính cách và đam mê của bản thân trong khi vẫn gây dựng được những mối quan hệ có ý nghĩa.
Năm nay tôi 30 tuổi, đã làm quản lý được 7 năm, có thể nói là rất trẻ so với ngành, tóc màu hồng và thường hay ôm gấu bông đi họp, tôi thường nói hớ và khiến người khác tím tái măt mày và có lẽ sẽ không bao giờ bớt cảm thấy cô đơn và kỳ cục nhưng cuộc sống là vậy, đừng để một điều vốn dĩ là tốt đẹp – sở hữu một bộ não ngon, trở thành cản trở trong công việc và cuộc sống nhé! Và hơn hết, đừng tự ảo tưởng mình thông minh mà đem nó ra làm lí do lí chấu để biện minh cho sự xấu tính của mình (giống tôi) nhé!
(505)