Stress là gì? – Stress nơi công sở và các biện pháp giải quyết

Hôm nay tôi chính thức kết thúc tháng làm việc đầu tiên ở cương vị mới – một tháng làm việc không có cuối tuần (Thứ 7 và chủ nhật là ngày không có ai gọi điện, không có khách hàng than phiền là thời gian rất tốt để ngồi động não suy nghĩ và hoạch dịnh chiến lược). Nhưng sau những chuỗi ngày làm 14 giờ một ngày, 7 ngày một tuần (gần gấp đôi khoảng thời gian làm 40h/ tuần trước đây) thì tôi chính thức gục ngã vì stress tới kiệt sức và ngủ tới trưa mới tỉnh. Vốn biết đã xác định lập nghiệp là phải chấp nhận hi sinh thời gian, sức khỏe nhưng có những lúc cơ thể gào thét xin vài phút chợp mắt tôi vẫn phải nhận ra là mình thật sự kiệt sức và căng thẳng.

Vấn đề stress công việc đặc biệt trong thời điểm doanh nghiệp chuyển mình, thị trường thay đổi với vô vàn điểm nghi vấn, và những vấn đề “cháy nhà”, là một điều dễ thấy ở cả nhân viên lẫn ban lãnh đạo. Hàng ngày chúng ta, những người lao động, phải đối mặt với bao sự căng thẳng – vì cuộc họp kéo dài gây muộn giờ tiếp khách; thay đổi công việc, hoặc môi trường; từ chuyện lớn như đối mặt với những biến cố lớn trong cuộc sống tới những việc nhỏ nhặt như hôm nay ra đường trót đi 2 chiếc tất lệch đôi. Dù khởi nguồn là gì đi nữa thì stress – một phản xạ được “lập trình” trong cốt lõi của con người – cái cảm giác bất an khi ta không nắm rõ kết quả, hồi hộp trước một thử thách lớn hay tim đập nhanh mà không có lí do gì biện giải… Nhưng một thứ với người A có thể là rất căng thẳng nhưng với người B lại là chuyện thường tình – dẫn tới việc thật sự khó tìm được công thức chung cho việc nhìn nhận hay tìm biện pháp giải quyết vấn nạn stress trong xã hội hiện đại. 

Thay vì việc coi căng thẳng là một trạng thái tâm lí tạm thời ta nên nhìn nhận đúng đắn với nó – vì stress nó là một phản ứng tâm lý lẫn sinh lý có thể gây ra trầm cảm, lo lắng, bất lực và thiếu kiểm soát có nếu để kéo dài quá lâu.  Căng thẳng mãn tính cũng có thể dẫn đến bệnh về tim mạch, huyết áp, viêm loét dạ dày, và mệt mỏi nói chung. Thậm chí, theo tính toán của Tây thì mỗi năm thiệt hại từ stress còn gây thất thoát chi phí doanh nghiệp tới hàng trăm triệu đô la do mất năng suất.

Hơn ai hết, các nhà quản lý và lãnh đạo tổ chức cần hiểu rõ nguyên nhân của sự căng thẳng để họ có thể giúp đỡ người lao động quản lý và kiểm soát các phản ứng có hại từ stress mà ra. Ngoài stress thường gặp do biến cố lớn xảy ra (bệnh tất, người thân qua đời, li hôn, phá sản v.v), các nhà nghiên cứu đã xác định được bốn yếu tố sinh ra stress. Đó là: căng thẳng do yếu tố thời gian, căng thẳng trong tiếp xúc với các mối quan hệ xã hội, căng thẳng do về sự kiện trong tương lai, và căng thẳng với tính chất tình huống.

Bước 1: Hiểu rõ về stress và các nguyên nhân gây stress

Tôi nhớ khi mới bắt đầu học về tâm lý học – giáo sư có nói tất cả những người không coi trọng sức khoẻ tinh thần là một bọn ngu. Não bộ, như tất cả các bộ phận trên cơ thể đều giống nhau, cần dinh dưỡng để phát triển, chịu sự ảnh hưởng của các hormones và có thể hoạt động kém hiệu quả khi không được bảo dưỡng hoặc gặp vấn đề hỏng hóc. Người giàu dành rất nhiều thời gian, tiền bạc để ăn đồ bổ béo, huấn luyện cơ thể, nạp dưỡng chất v.v nhưng lại thờ ơ với những vấn đề của bộ não.

Vào năm 1979, một người tư vấn doanh nghiệp, diễn giả thường xuyên trong mảng quản trị Tiến sĩ Karl Albrecht bèn giới thiệu cách phân loại stress theo 4 nhóm chính:

  1. Căng thẳng về thời gian (Time stress)
    Sự căng thẳng phổ biến nhất chính là căng thẳng về thời gian – cảm nhận chúng ta chỉ đơn giản là mình có quá nhiều việc cần phải làm trong khi rất ít thời gian để hoàn thành các tác vụ đó. Cảm giác không chắc chắn do không biết khối lượng công việc cần giải quyết liệu có thể được hoàn thành trong thời gian cho phép là nguyên nhân kích hoạt phản ứng căng thẳng – stress.
  2. Cẳng thẳng về sự kiện trong tương lai (Anticipatory stress)
    Loại căng thẳng tiếp theo mang tính thời gian – chính là cảm giác hồi hộp của chúng ta trước mỗi kỳ thi hoặc sự kiện trọng đại trong đời (như cưới hỏi). Cảm giác bồn chồn, lo lắng khi nghĩ về một tương lai bất định cũng là yếu tố gây stress thường xuyên do không chắc chắn về kết quả của một sự kiện được cho là trọng đại / chứa nguy cơ sẽ tạo ra căng thẳng.
  3. Căng thẳng tình huống (Situational stress)
    Căng thẳng tình huống thì phát sinh khi một người rơi vào hoàn cảnh mà những gì diễn ra quanh họ, từ môi trường, sự kiện, những người xung quanh v.v xa lạ và nhiều tới mức áp đảo gây cho họ cảm giác choáng ngợp.  Loại căng thẳng này thường xuyên xảy đến ở xã hội hiện đại với các sự thay đổi môi trường chóng mặt, các cuộc điện thoại dồn dập v.v Chung quy lại xã hội hiện đại đã tạo ra một thế giới của hỗn độn nơi mà sự phức tạp, thay đổi không ngừng, và lượng thông tin khổng lồ mỗi người phải đối mặt hàng ngày đều góp phần tạo ra phản xạ phòng vệ thường thấy ở loại Stress tình huống này. 
  4. Cẳng thẳng quan hệ (Encounter stress)Một loại căng thẳng nữa, xuất phát từ những mâu thuẫn trong các mối quan hệ xã hội – khi chúng ta không đồng tình với người khác về quan điểm, cách sống, kỳ vọng hoặc cách làm một việc gì đó; khi đó, chỉ đơn giản là ngồi chung phòng với người mình bất đồng quan điểm cũng trở thành một nguy cơ kích hoạt trạng thái stress.

Nghe thật mệt mỏi phải không? Cá nhân tôi cảm thấy mình bị bủa vây của tất cả các loại nguyên nhân và trạng thái stress trên:

  • Stress về thời gian: Hàng ngày nhìn khối lượng hồ sơ trên bàn ngồn ngộn lên cùng với cảm giác mất ngủ thường trực khiến tôi rơi vào sợ hãi vì cho dù đã giảm thời gian ngủ từ 9 tiếng xuống còn 6 tiếng/ ngày, đi làm từ 6:30 sáng và kết thúc ngày làm việc mỗi ngày vào gần nửa đêm tôi vẫn không tài nào cân được hết lượng email khủng khiếp ập tới cũng như trượt deadline liên tục.
  • Stress về quan hệ: Là người trẻ nhất trong ban điều hành công ty, lại không lớn lên cùng quốc gia, ngôn ngữ hay văn hoá; việc làm quen với những đồng nghiệp mới vốn đã khó khăn, việc từng người trong số họ đều là lãnh đạo một doanh nghiệp nào đó thì việc xung đột về quan điểm quản lý, hay cách hành xử là không tránh khỏi. Có một lần, do quá mệt mỏi tôi rơi vào trạng thái khó thở tới mức phải phi ra khỏi phòng họp để lại sau lưng là 10 con mắt cảm xúc lẫn lộn: bàng hoàng, tức giận, tới khó hiểu.
  • Stress về sự kiện trong tương lai: Thời kỳ cuối năm là khi chúng tôi bận nhất, phải nhanh chóng đóng gói các hợp đồng và yêu cầu đôi tác thanh toán trước Tết ta, xoay sở để cân ngân sách sao cho anh em cán bộ – nhân viên trong công ty được một đợt thưởng Tết hậu hĩnh. Rồi khách khứa cần thăm hỏi cuối năm. Tệ hơn nữa, làm trong ngành xây dựng thì tháng kinh khủng nhất chính là Tết: không làm được gì, các dự án nằm im không nhúc nhích, công nhân phải quá Rằm mới lên làm, mà nguyên 2 tháng chạp – giêng không biết chuyện gì có thể xảy ra, và chắc chắn không ai có thể trực nguyên 2 tháng đó rình rủi ro được. Stress chết mất!
  • Stress về môi trường/ tình huống: Có lẽ đây là loại stress khó nhằn nhất nhưng cũng phổ biến nhất trong xã hội. Hàng ngày, hàng giờ chúng ta nhìn điện thoại với hàng nghìn dữ kiện mới – từ facebook thông báo các trạng thái, tới các email cá nhân – công việc dồn dập, từng lịch họp trên Google calendar tinh tinh mỗi tiếng, cho tới môi trường mới, các nhân viên xa lạ, đồng nghiệp chưa tin tưởng, đối tác nhìn mình dè dặt đều khiến cho chúng ta ‘mòn’ đi hàng ngày. Nhưng nó không rõ ràng về dữ kiện như những loại căng thẳng trên nên ta lờ nó đi, cho rằng mọi thứ chỉ cần thời gian sẽ quen thuộc thôi đến một ngày thì phát hiện ra thế giới mình đang sống không còn một chút thân thuộc, ấm áp nào.

Mệt mỏi quá, tôi lại lò mò đi tìm các cách để chống stress, dưới đây là một số thứ có tác dụng với cá nhân tôi.

Bước 2: Chống chọi với stress

Lập kế hoạch và chuẩn bị, quản lý thời gian, phân công lại công việc, và sắp xếp, giao việc cho người xung quanh là cách đối mặt với những căng thẳng nơi công sở. Tuy rằng đây là một chức năng công việc bình thường của nhà quản lý nhưng ngay cả những lãnh đạo lão làng nhất cũng không thể trọn vẹn quản lý công việc và doanh nghiệp của mình. Hơn nữa, việc cho rằng công tác quản lý tốt sẽ loại trừ toàn bộ trạng thái căng thẳng là không thực tế lắm. Trong thực tế, khoa học cũng chứng mình stress ở mức độ vừa phải là một trong những nguyên nhân một người lao động hoạt động ở công suất hiệu quả nhất.  Sự lo lắng về sự kiện sắp tới có thể khuyến khích người lao động để tâm vào chất lượng công việc hơn, tăng cao sự tập trung và động lực làm việc.  Nhưng trạng thái này nếu kéo dài thì lại gây tác dụng ngược lại – mất tập trung, suy giảm về sức khỏe và hiệu suất của nhân viên.

Trong xã hội ngày nay việc loại trừ toàn bộ stress trong cuộc sống là bất khả thi, do đó việc kiên cường đối mặt và có biện pháp chống đỡ với căng thẳng là việc tối quan trọng để cân bằng cuộc sống và làm việc ở mức hiệu quả nhất. Có lẽ vì thế mà phương Tây, và đặc biệt là Mỹ tồn tại một sự sùng bái với lối sống lành mạnh, từ tập tành, ăn uống theo chế độ, điều trị tâm lý thường xuyên, tìm kiếm mentor và các hội nhóm trao đổi về lối sống lành mạnh v.v Những năm vừa qua, Đạo Phật còn trở nên đặc biệt có sức ảnh hưởng tới tầng lớp chóp bu của giới kinh doanh, chính trị Mỹ – Thung lũng Sillicon, cái nôi của sáng tạo và ngành engineering đã tổ chức không biết bao nhiêu cuộc hội thảo về sức mạnh tâm linh, mời các sư thầy hàng đầu thế giới tới giảng cho các nhân viên của những tập đoàn hàng đầu như Facebook, Google với niềm hy vọng là duy trì một lối sống cân bằng là những cách để giúp xây dựng khả năng phục hồi thể chất, từ đó nâng cao hiệu suất của nhân sự.

Dưới đây là một số nghiên cứu lượm lặt của tôi về cách đối mặt với 4 loại stress chính đã nêu ở trên:

  1. Stress về thời gian: 

    Stress về thời gian khá là cơ bản để giải quyết – bằng cách quản lý thời gian tốt hơn. Việc đào tạo và tự học của nhân viên trong vấn đề sử dụng các công cụ quản lý công việc từ đơn giản (như hệ thống To-do list) tới việc nâng cao trong quản lý công việc sử dụng các framework của Quản lý dự án và dự trù rủi ro là bước bắt đầu. 

    Trong công tác này thì kỹ năng quan trọng nhất được nhiều doanh nhân bận rộn đề cập là Prioritizing – hay trong tiếng Việt là lên thứ tự ưu tiên. Việc mất kiểm soát với thời gian thường xảy ra khi chúng ta không dự trù được quỹ thời gian hợp lý trong khi để các công việc thường nhật chiếm toàn bộ thời gian để rồi không còn chút vốn liếng về năng lượng hay thời gian dư thừa để kịp làm những công việc phức tạp, tốn nhiều thời gian nhưng tối quan trọng. Vòng luẩn quẩn này dẫn tới việc liên tục mất thời gian chữa cháy cho những việc tưởng chừng như gấp gáp nhưng có sức ảnh hưởng không lớn tới hoạt động của doanh nghiệp. Rồi đến một ngày chúng ta mở mắt ra, chạy chế độ tự động qua một ngày 8-10 tiếng căng thẳng nhưng khi bước ra khỏi văn phòng lại có cảm giác cả ngày không hoàn thành được một việc gì ra hồn. 

    Việc học được phương pháp tỉnh táo để phân loại những việc quan trọng và việc gấp là một kỹ năng phải được rèn luyện. Cá nhân tôi sau khi đọc cuốn sách The One Thing (tiếng Việt: Điều duy nhất, có bán ở phần lớn các hiệu sách) đã học được phương pháp áp dụng đơn giản với chỉ một câu thần chú để tìm ra việc quan trọng nhát cần làm. Ngoài ra, các bạn có thể nghiên cứu về nguyên tắc của Eisenhower trong việc phân loại tác vụ quan trọng với tác vụ khẩn cấp. 
  2. Stress về sự kiện trong tương lai: 

    Căng thẳng về một sự kiện trong tương lai là trường hợp mà chúng ta thường xuyên gặp phải. Có những lúc những sự kiện gây stress rất cụ thể, và có thời gian rõ rệt như tổng kết cuối năm, một sự kiện lớn của công ty, hoặc một deadline cụ thể. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp thì mối lo lắng này thường đến từ những sự kiện không rõ ràng trong tương lai – là một loại cảm giác bế tắc, sợ hãi về tương lai khi con thuyền kinh doanh chòng chành, và cảm giác sợ thất bại hoặc doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều mối nguy chưa định hình rõ ràng được.

    Trong trường hợp này, vì loại stress này xuất phát từ khái niệm “tương lai” nên việc nhận định rõ ràng là kết quả của sự kiện khiến ta lo lắng chưa ngã ngũ là cách để đối mặt với cảm giác tiêu cực là mọi sự dễ dàng đi sai, hoặc sụp đổ. Việc luyện tập lối tư duy tích cực và chủ động kiểm soát rủi ro là một trong những hoạt động nên luyện tập để vững tim trong những tình huống này. Não bộ chúng ta khá là dễ lừa, khoa học chứng minh bộ não không thể phân biệt được rõ ràng thực tế trước mắt hay một viễn cảnh do chúng ta tập trung tâm trí phác thảo ra. Vì vậy nên việc chủ dộng tư duy theo chiều hướng tích cực, và liên tục củng cố niềm tin có tác dụng thuyết phục với não người y như thể sự thật đang diễn ra như vậy.

    Cá nhân tôi thì ưa chuộng việc ngồi thiền, nên thay vì cố tự vẽ ra những viễn cảnh để đánh lừa bộ não, việc tập trung tâm trí nhìn nhận rõ ràng tình huống đang xảy ra là gì, và tập trung sống trong thực tại là một cách kéo mình lại khỏi những nỗi sợ hãi về tương lai.

    Một lí do nữa khiến cho loại stress này đặc biệt phổ biến alf khi chúng ta đứng trước một thế giới đang thay đổi chóng mặt và môi trường kinh doanh từ đó đòi hỏi nhiều hơn ở người đi làm, thì cảm giác mất tự tin trong công việc trở thành biểu hiện thường thấy ở cá nhân, từ cấp nhân viên tới lãnh đạo. Cảm giác sợ sai lầm là một tác nhân gây ra cảm giác lo lắng này. Nên việc tập cách đối mặt và chuẩn bị tinh thần lẫn phương án cho rủi ro thất bại là một yếu tố giảm bớt căng thẳng. 

  3. Stress về môi trường/ tình huống: 

    Hiện tượng stress tình huống thường xuất hiện ở những người phải tiếp xúc với nhiều người và đặt mình vào nhiều tình huống khác nhau thường xuyên gây ra cảm giác mất kiểm soát và mất an toàn khi mình bước ra khỏi vỏ kén quen thuộc. Đặc biệt trong những tình huống căng thẳng – khi xuất hiện rạn nứt, ma sát giữa các nhóm lợi ích hoặc bị chịu cảm giác áp đảo ở vị thế cửa dưới. Bị khiển trách, mất việc hoặc phê bình trước tập thể là một ví dụ dễ gặp. 

    Trong những trường hợp này, yếu tố thời gian và không gian đóng vai trò chủ đạo. Cảm giác bị đặt vào tình thế khó mà không có đủ thông tin hoặc biện pháp giải quyết thường gây cảm giác bị dồn vào chân tưởng cho người bị gánh nặng bởi stressor này.

    Trong trường hợp này các chuyên gia khuyên rằng việc làm chủ cảm giác của cá nhân cả về tâm lý và sinh lý – bụng quặn thắt, tim đập nhanh hay toát mồ hôi chẳng hạn. Thường chúng ta khi đối mặt với những hoàn cảnh này thường rơi vào trạng thái đờ đãn, đóng băng và điều này thường khiến tình huống trầm trọng hơn. Việc hiểu rõ và làm chủ từng trạng thái, cung bậc cảm xúc và sự biến chuyển về sinh lý của bản thân trong trường hợp này có thể giúp ta quản lý nỗi sợ hãi của mình tốt hơn. Từ đó có thể ‘duyên dáng’ và dễ dàng phản ứng chuyên nghiệp trong những trường hợp trên, thay vì rụt mình lại, hoặc tham gia vào một cuộc khẩu chiến vô bổ. 


  4. Stress về quan hệ: 

    Tác nhân gây stress chính trong trường hợp này là con người – cá nhân với tính cách, phản ứng và cảm xúc phức tạp, không giống nhau. Có lẽ trong thế giới động vật, chúng ta được lập trình về việc phải chiến đấu với nhiều giống loài nguy hiểm, và ngay cả cùng trong một bầy đàn chúng ta phải cạnh tranh để trở thành con đầu đàn hoặc bị thuần phục nên tới giờ mối quan hệ giữa người với người chưa bao giờ được thật sự thả lỏng. Nỗi lo lắng này thường xuất hiện ở những người phải giao thiệp nhiều, từ đội ngũ bán hàng thường xuyên phải tiếp xúc với khách, tới bác sĩ phải chữa trị và tư vấn cho nhiều bệnh nhân một ngày, mà khách hàng hay bệnh nhân thì thường đều mang đến một cảm giác không mấy dễ chịu. 

    Việc chống đỡ với cảm giác stress từ con người thì cần tới kỹ năng giao tiếp giữa người với người. Kỹ năng interpersonal skill thường được các trường đại học dạy cũng như là chủ đề training thường xuyên của các doanh nghiệp lớn. Một khái niệm cần phải nghiên cứu sâu là EQ hay Emotional intelligence. Trong những năm gần đây, nghiên cứu tập trung vào EQ rất rộng rãi, thậm chí nhiều người còn quả quyết là EQ quan trọng hơn IQ rất nhiều trong cả cuộc sống lẫn công việc. Khả năng “bắt sóng” được người khác – về cảm xúc, nhu cầu, mong muốn của họ lẫn của bản thân mình sẽ giúp việc tiếp xúc trở nên mềm mại và bớt đi rào cản, ma sát hơn. 

    Cá nhân tôi, với bệnh sợ/ ghét người chỉ có thể tương tác với một số lượng nhất định trong một ngày, và sau khi thực hiện xong nghĩa vụ với đám đông thì thường chọn một buổi tối với bản thân mình để hồi sức. Mỗi người sẽ có mức chịu đựng khác nhau với loại stress này nhưng nếu không được lưu tâm và đối phó thì cảm giác xa rời xã hội, thu mình trong bóng tối và từ chối giao tiếp là thường xảy ra. Khi gặp phải những vấn đề này việc tốt nhất là cho mình đủ không gian, thời gian để tĩnh tâm một mình và tập trung tâm trí vào bản thân trước khi lại phải đối mặt với những nhóm đông hay cá nhân ngoài xã hội. 

Nói tóm lại, cảm giác căng thẳng – sợ hãi là một biểu hiện hoàn toàn bình thường và không có biểu hiện đặc biệt ở mỗi cá nhân; chúng ta đều được lập trình về mặt sinh học để các hormone chi phối sinh lý khi cơ thể cảm giác được cảm giác mất an toàn. Nhưng chúng ta đã bước một bước tiến quá xa từ thời phải chống chọi với thiên tai, và thú vật nguy hiểm. Thay vào đó, các stressor xuất hiện trong xã hội hiện đại ngày một dày đặc và phức tạp, từ vấn đề công việc, tâm lý, sức khỏe. Nếu không đối mặt với nó như một vấn đề có sức nặng và tầm ảnh hưởng sâu sắc tới mỗi con người, tập thể và cuối cùng là hiệu suất của doanh nghiệp thì cái giá phải trả sẽ trở nên quá đắt đỏ. Hãy bình tâm nghĩ lại xem cuộc sống chúng ta có đang bị đè nặng bởi stress, và chủ động tìm hiểu các nguyên nhân gây căng thẳng (stressor) của bản thân là gì; từ đó, dựa trên tâm lý và điểm mạnh/ yếu của mỗi người, tìm cách luyện tập những kỹ năng như: nhìn nhận đúng, khách quan, khả năng tự thấu cảm với bản thân, EQ, cho tới việc quản lý thời gian, rủi ro và giao việc để cân bằng được cuộc sống cá nhân, và sống – làm việc ở trạng thái hiệu suất cao nhất. 

(406)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *