Nghệ thuật tư duy: làm sao để tư duy tốt hơn và bị người đời ghét nhiều hơn (phần 1)

Hãy cẩn trọng với thứ bạn nghĩ, vì nó sẽ thành thế giới quan của bạn. Thế giới quan của bạn sẽ chi phối hành động của bạn. Và hành động, lựa chọn của bạn sẽ gieo mầm cho nghiệp quả của bạn.

Tư duy là việc ta làm không ngừng nghỉ mỗi giây phút tỉnh táo, ngay cả trong chiêm bao não bộ cũng liên tục sửa chữa nơ-ron thần kinh, tạo ra những kết nối mới để bơm cho ta một loạt những suy nghĩ vào ngày hôm sau.

Một tác vụ quan trọng như vậy thường lại bị con người làm ngơ, chúng ta trở nên thờ ơ với suy nghĩ của mình, thậm chí trở thành nô lệ của những suy nghĩ tiêu cực, đầu hàng trước bộ não của chính bản thân. Ta bồng bềnh trôi trong dòng chảy suy nghĩ của bản thân, phó mặc cho bộ não cầm cương điều hành và không có tính kỉ luật trong việc rèn luyện tư duy. Đó là những thói quen xấu của đại đa phần dẫn đến những hậu quả ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, tam quan và khả năng sinh tồn của con người.

Einstein – nhà khoa học nổi tiếng với bộ não kỳ lạ, đã từng nói “Bạn không thể giải quyết vấn đề mà cách tư duy cũ của bạn tạo ra”. Vậy nên phải làm thế nào để tư duy tốt hơn, nếu ta chính là suy nghĩ của mình, và suy nghĩ của chúng ta cũng dẫn hướng cho hành động của chúng ta?

Để làm được như vậy phải tìm được cách:

  1. Thấu hiểu cách bộ não và tư duy của chúng ta hoạt động
  2. Tách biệt bản thân mình ra khỏi tư duy của mình
  3. Ý thức được việc mình có thể làm chủ được tư duy
  4. Áp dụng những phương pháp phân tích, nội suy để củng cố quá trình tư duy
  5. Biến việc tư duy có phương pháp trở thành thói quen
  6. Tự đánh giá, hiệu chỉnh, cải tiến phương pháp liên tục

Đây chính là biện pháp để tư duy tốt hơn, mạch lạc hơn, và chuẩn xác hơn.

Cấp độ tư duy là gì?

Trong bài hôm nay, tôi muốn nhắc tới khái niệm Các cấp độ tư duy. Như tên gọi cho thấy Cấp độ tư duy là việc ta phân các giai đoạn tư duy của mình thành nhiều cấp và vượt lên các cấp theo trình tự (như vượt chướng ngại vật) để xâu chuối các dữ liệu và sự thật rút ra một cách mạch lạc; từ đó tìm được lối tư duy chuẩn xác nhất dẫn tới đúc kết về suy nghĩ đúng đắn, và từ đó ra được hành động, quyết sách đúng đán.

Chu trình này bao hàm nhiều cấp khác nhau, nhưng rất ít người có thể vượt qua cấp độ 1: không nghĩ gìhành động cảm tính.

Hãy tự hỏi bản thân mình, bạn dành một ngày bao nhiêu thời gian để ngồi xuống và nghĩ? Không phải tự nhiên nảy ra ý tưởng, không phải nghĩ bâng quơ trên lộ trình đi làm, không phải ngồi nghĩ vẩn vơ bên cốc cà phê, cái tôi nói ở đây là NGỒI XUỐNG VÀ NGHĨ. Như thể nó là một nhiệm vụ, có quy trình, có thao tác, có điểm đầu và điểm cuối vậy.

Nếu bạn cười câu hỏi sến súa của tôi. Tôi sẽ cười bạn vì bạn nghèo tư duy.

Khi Dante viết ra trường ca Thần Khúc (Divina Commedia) vào năm 1300, ông đã suy nghĩ về nhân sinh quan, về xã hội mà ta đang sống dưới góc nhìn triết học, và thần học. Bức tượng The Thinker lột tả hành động của nhà thơ khi ngồi tư duy trước cửa địa ngục trước những suy nghĩ về nhân sinh quan:

Giờ lại tưởng tượng ra, đã bao lần bạn tự nhiên nhận ra mình không biết chuyện gì đã xảy ra trong ngày? Hoặc có quá nhiều vấn đề ập tới đến mà bạn bộ não của bạn từ chối làm việc? Nó trống rỗng khi bạn cần nó nhất, và không cho một lời giải nào?

Phương pháp sử dụng 3 cấp độ tư duy

1. Cấp độ 1

Những người bị dừng hình ở cấp độ 1 là những người quan sát thụ động, họ tiếp nhận thông tin, sự việc diễn ra và chấp nhận chúng ở trạng thái nuhư vậy thay vì cố diễn dịch hoặc phân tích những gì họ được nhìn thấy.

Vì thứ thông tin họ có – quyền làm chủ nằm ở sự vật, sự việc hoặc người đưa thông tin đó chứ không nằm ở người tiếp nhận nên nó rất không đáng tin hoặc dù có chân thực, thì cũng không tạo ra giá trị gì cho người nghe.

Cấp độ 1 của tư duy là thứ tư duy quá ấu trĩ, đơn giản và hời hợt, ai cũng làm được nó (nên nếu bạn muốn vươn lên, đây hẳn là cảnh báo đèn đỏ) Những người tư duy ở tầng số 1 thường phụ thuộc vào ý kiến của người khác về diễn biến tiếp theo. Tầng số 2 sâu sắc và phức tạp hơn rất nhiều nhưng không mấy ai vượt ải được.

Ở tầng 1, người nghĩ không có sự tự tư duy của bản thân, đúc kết, sửa đổi hoặc phân tích đối với dữ kiện. Họ thậm chí không dám thách thức sự xác thực của dữ liệu này, có thể vì quá lười nhác để nghĩ (vì cảm giác hại não) hoặc giả họ thậm chí còn chưa bao giờ biết tới lựa chọn số 2 là ta được quyền truy vấn và đặt câu hỏi với mọi vật. Trong môi trường giáo dục nước ta tôi thấy một tình trạng vô cùng đáng buồn – giáo viên dạy cho học trò, và chúng phải ngồi đó tiếp nhận, ghi chép, thuộc lòng rồi sau đấy kể lại đích xác thứ giáo viên cho chúng là gì thông qua bài thi kiểm tra. Vậy bắt đứa trẻ thi về việc chúng hiểu góc nhiền của người khác thì có gì tốt lành cho việc tu dưỡng kiến thức và khả năng suy nghĩ của chúng?

Một vấn đề thứ 2 mà tôi thấy là việc không tách bạch giữa ta – và suy nghĩ của ta. Hãy nghĩ thử xem, bạn hay tôi đều sẽ có phản xạ phán xét suy nghĩ của người khác, lựa chọn của người ta là đúng/ sai, ngu / hay, và vô vàn những kết luận khác ta rút ra được từ việc quan sát và lắng nghe cách nghĩ, hành động của người xung quanh – tuy nhiên, bao lâu thì ta ngồi Nghĩ về việc Mình nghĩ như thế nào? Đây là khái niệm gọi là Metacognition (là nghĩ về chính suy nghĩ của mình – phân tích bản thân dựa trên cách mình tư duy dưới con mắt khách quan).

Nếu không tự phán xét dược bản thân, ta sẽ không bao giờ làm chủ được tư duy của mình. Chấm.

2. Cấp độ 2

Tại cấp độ này mọi thứ thú vị mới diễn ra – phân tích, tổng hợp, kết nối và kết luận. Cấp độ này đòi hỏi khá nhiều công sức vì ta phải chậm rãi diễn dịch và phân tích các mảnh ghép tưởng chừng không liên quan và tìm cách dẫn nối chúng thành hình – một bức tranh về sự thật, về tính vẹn toàn của thông tin, về một góc nhìn không điềm mù, một quan điểm không lệch lạc.

Ở giai đoạn này bạn phải học được cách tìm điểm cốt yếu của dữ liệu (đối với những người tư duy tuyến tính) hôặc hình học hóa dữ liệu (với những người tư duy trực quan): hãy tìm sự sắp xếp, cân xứng, diễn tiến, tương phản, hay lắp lại, thậm chí hoa văn trong dữ liệu.

Ví như các nhà khoa học khi nghĩ ra phát kiến mới thường nhìn thấy sự diễn tiến của thông tin – họ đã nắm những nghiên cứu trước đó, và nhìn thấy điểm cuối còn đang bỏ ngỏ, họ tìm cách xâu chuỗi những khám phá trước đó thành 1 đường diễn tiến và tìm cách dự báo điểm diễn biến tiếp theo rồi thử nghiệm – chứng minh.

Những phát kiến công nghệ thì sao? Rất nhiều phát kiến thực ra chỉ là cách sắp xếp lại dữ kiện (ví như app đặt xe Uber/ Grab thay đổi cách đặt xe (quy trình đặt taxi truyền thống) từ tuyến tính và tập trung, và bẻ hướng nó sang hướng phi tập trung thành giao dịch song phương (peer – to – peer).

Toàn bộ quá trình này nằm ở cấp độ 2

Hình ảnh có liên quan

Những người luyện trí lên tới cấp 2 phát sinh một khả năng mới: tổng hợp thông tin (synthesis) – có thể được hiểu nó giống như đan len vậy – từ những đầu mối khác nhau, dung hòa, tổng hợp, và “đan” dữ liệu này thành một thể thống nhất mới và hữu dụng.

Thông tin sẽ trở nên tốt hơn khi chúng được phân tách – hoặc dung hợp, kết nối để tạo nên một họa tiết/ đường vân rõ rệt có tính trực quan và thông tin.

Một ví dụ về việc sắp xếp dữ liệu trong công ty chúng tôi – một bạn chuyên viên sắp xếp dữ liệu phân loại theo thời gian (tiến trình), theo thể loại (màu giấy) và theo mối tương quan (chủ đề) để cả nhóm tư duy.

Những nhà tư duy cấp độ 2 thường là những người có khả năng và sở thích sắp xếp mọi thứ nhằm giúp bản thân hiểu bức tranh tổng thể hơn (vì lẽ đó có những lúc họ thường bị hiểu nhầm là nghĩ chậm hơn), thậm chí họ có thể có thói quen tái sắp xếp những gì xã hội coi là cố hữu thành những nếp gấp, hoa văn mới nhằm ra một bức tranh tường mình hơn.

Bằng việc sắp đi sắp lại suy nghĩ như vậy, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy điểm mấu chốt cũng như những lỗ hổng của giả định, và các ý tưởng tuyệt vời nằm ẩn dấu trong những dữ kiện cũ và hiểu rõ mối tương quan cũng như loại quan hệ (nếp gấp, hoa văn, sự kết nối) mà các dữ kiện có với nhau.

3. Cấp độ 3

Hay còn được gọi là Giai đoạn tư duy Alpha

Người đã lên cấp 3 của tư duy phát triển thêm 1 tầng năng lực là khả năng chuyển hóa kiến thức – nghĩa là họ có thể đưa một khái niệm mà mình học được vào một hoặc mọi tình huống. Trong thần học chúng tôi hay gọi là Vạn pháp quy Chân – nghĩa là nếu một pháp (sự thật minh triết) thì nó có thể được áp dụng tương tự với những điều kiện cùng context. Chúng ta có câu thành ngữ “Học một biết mười” chính là từ khái niệm này, làm sao một người học chỉ có 1 lại lấy đâu ra 9 cái còn lại để bỏ làm 10? Những dữ kiện đó đến từ đâu? Nó đến từ việc chuyển hóa dữ kiện 1, và nếu nắm được 1 cũng đồng nghĩa với 10, 100 v.v

Những đứa trẻ của chúng ta ngày nay học theo cách tuyến tính thuộc lòng, nên phần lớn chúng chỉ học 1 và biết được 0,5. Cũng vì lẽ đó nhiều người than vãn với tôi rằng những kiến thức họ học được không thể ứng dụng trong cuộc sống. Và đó là một nhận định méo mó, tất cả những gì bạn hấp thụ được để có thể được tái chế, tái sử dụng một cách dễ dàng nếu não của bạn quen với cấp độ tư duy 3.

Tôi kể tạm một câu chuyện để diễn giải chuyện này:

  1. Khi tôi còn nhỏ có say mê đọc truyện Kim Dung. Lúc đó thấy cô Hoàng Dung (trong Anh hùng Xạ điêu) giỏi tính toán, có thể tính bài toán mai rùa; cha cô Hoàng Dược Sư là người giỏi bày bố trận (không hiểu sao xếp mấy hòn đá mà thành hệ thống security kinh hơn lính tráng, hàng rào thép điện) lại còn giỏi bói toán bấm độn, bắt quẻ Dịch.
  2. Sau này học đại học ở Mỹ tôi theo ngành Toán học – và ở cấp này chúng tôi gặp bài toán mai rùa xuất hiện ở kỳ 2 Toán cao cấp: Matrix (giải ma trận), rồi lại gặp nó một lần nữa trong khóa Lý thuyết trò chơi (thường dạy trong cả ngành kinh tế, triết học, toán học v.v) hóa ra cái mai rùa chỉ là hồi xưa các cụ đếch có giấy nên dùng mai con rùa giải toán mà thôi. Về vụ bói toán hay bố trận sau này chúng tôi sang kỳ học toán tuyến tính (Linear algebra) lại được học về Ring theory, hay học chuỗi Fibonacci (có mối tương quan chặt chẽ với kinh dịch) rồi khi sàng tới lập trình hệ nhị phân thì mới biết hóa ra nhà Toán học đại tài nghĩ ra hệ nhị phân mà phần lớn máy tính chúng ta đang sử dụng ngày nay đã từng được tặng một cuốn Kinh dịch (được dịch ra tiếng Đức) và ông ta cũng nói rằng mình chỉ là người tìm thấy nó, còn người Trung Hoa đã ứng dụng từ lâu.

Nói thật chắc nếu không phải vì tình yêu say đắm với truyện chưởng và giấc mơ trở thành Hoàng đảo chủ chắc tôi không học nổi mấy năm toán học hại não đó. Điều thần kỳ ở đây là có mấy người thật sự mở cuốn truyện kiếm hiệp và thật sự nhìn ra được tính kết nối toán học ẩn sâu trong đó?

Bài học:

Bài học ở đây là bạn sẽ không bao biết được những dữ liệu tưởng chừng không có giá trị có thể được sử dụng vào lúc nào. Bộ não của chúng ta có sức chứa rất tốt, nhưng nó có thể chứa rác, nó cũng có thể chứa kiến thức, và tại một thời điểm nào đó rác có thể biến thành vàng. Nhưng những người không học tư duy – tập tư duy thì ngay cả kiến thức cũng có thể thiu thành rác.

Tài năng của những người lên đến cấp 3 của tư duy là việc họ có thể xem xét một ý tưởng, khái niệm từ nhiều góc khác nhau tạo ra một cái nhìn tổng thể về sự việc từ tất cả các vị thế (giống như người ở cấp độ dưới chỉ tư duy ở chiều không gian 2D, còn những người cấp độ 3 có thể dựng được 3D) nên việc họ có điểm mù là khá khó – một hình trụ trông có vẻ giống hình tròn nếu nhìn từ trên xuống, nhưng khi có khả năng “quét 3D” nó thì nó vẫn là hình tròn ở mặt cắt, hình chữ nhật ở mặt dựng, và hình trụ nếu xem 3 chiều.

Nhờ việc này họ thường hay có những ý tưởng vô cùng đột phá, sáng tạo, và khác với những người bình thường. Chiến lược họ chọn thường không đi theo lẽ thông thường, và họ ít tuân thủ những giá trị truyền thống.

Lời kết

Cấp độ tư duy cơ bản là có 3 phần như vậy, nhưng xuất phát điểm của nó chỉ nằm ở việc bạn tò mò với cuộc sống và đặt câu hỏi “Tại làm sao?”

Khi làm được điều đó, não của bạn sẽ làm được những thứ kỳ diệu, vừa cso tính khoa học vừa có tính nghệ thuật – sáng tạo. Việc hình thành những mối liên kết mới trong não, là tiền đề của ý tưởng, của logic, của sự hiểu biết sâu sắc và khả năng kiến tạo cái mới. Vì thế những nhà Tư tưởng Alpha (những người vận dụng được não lực ở tầng số 3) là người đi đầu và dịch chuyển xã hội, văn hóa, tiến bộ khoa học công nghệ lẫn kinh tế. Họ là những nhà khoa học, nhà sáng chế, những người không tuân thủ theo những nếp thông thường của 95% dân số còn lại.

Tuy rằng ai cũng có năng lực trở thành Alpha nhưng chúng ta thường quá lười nhác để truy vấn, quá thỏa mãn với những tư tưởng mà người khác cho ta, và quá dễ dàng đánh đồng với góc nhìn, tam quan của người xung quanh. Cũng có thể, chúng ta cảm thấy cuộc sống quá nhàm chán và trở nên thờ ơ với sự vật, cuộc sống. Đó là sự hao mòn của trí, sự đi xuống của đời người và cũng là sự thụt lùi của nhân loại.

Hồi xưa tôi rất đam mê dạy về tư duy – các mental model, framework tư duy v.v nhưng đã lâu rồi không còn mở lớp một phần lí do nằm ở việc thật khó khăn tìm được những con người với đôi mắt còn đầy sự trong sáng nhìn cuộc đời như một điều kỳ thú – ngược lại cso quá nhiều người than chán đờichán học, chán xem, chán hỏi. Hãy tự cứu lấy mình bạn nhé, khi ta chán, là lúc ta hy sinh đi một phần tâm trí của mình.

(537)

2 thoughts on “Nghệ thuật tư duy: làm sao để tư duy tốt hơn và bị người đời ghét nhiều hơn (phần 1)”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *