Như các bạn đã biết, tôi là người hâm mộ nền triết học cổ xưa – về phương Tây tôi đam mê Stoicism (nhân đây xin cảm ơn nhà sách Thái hà đã dùng bài blog của tôi để ra mắt – giới thiệu cuốn Chủ nghĩa khắc kỷ vào năm ngoái); phương Đông tôi đam mê Taoism (triết học Đạo gia); về trung Á tôi là người tín Phật. Với tôi nó không hẳn là tôn giáo và sự tin tưởng mù quáng vào một đức tin của ai đó đi trước – mà nó là quá trình tìm hiểu cuộc sống dưới góc nhìn minh triết, tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu, ngẫm, và tự ra quyết định cho bản thân về góc nhìn tam quan.
Hôm nay xin chia sẻ cho các bạn một bài viết nữa về Stocism và các khái niệm phổ biến trong Stocism cần thiết cho cuộc sống hiện tại. “Khái niệm” (hay Tenet) chắc sẽ là thứ thông thuộc với người học triết lâu năm, nhưng cũng khá khó tiếp cận với người không quen đọc về Triết – Phật giáo, Chủ nghĩa Khắc kỷ hay một loạt các tư tưởng triết học từ Á tới Âu đều chung cách giáo dục chúng sinh – đưa ra khái niệm, còn lời phát xét cuối để cho người đọc ngẫm về việc tiếp nhận và cảm thụ nó ra sao, nó không nói cho chúng ta phải làm gì (động từ) mà nó nói cho chúng ta biết sự thật (danh từ) nếu chúng ta tiếp nhận nó – thì hành động đã tự nảy sinh trong tâm tưởng của bản thân, không cần cưỡng ép theo một khuôn khổ nào. Bài viết này sẽ nói về những Tenet của Chủ nghĩa khắc kỷ, được lấy từ cuốn nhật ký của một trong những người cha đẻ ra môn huyền học cổ xưa này cũng là một vị vua vĩ đại của đế chế La Mã – Marcus Aurelius
Cùng với những tư tưởng của nhà hiền triết Seneca – thầy của Aurelius
Chủ nghĩa khắc kỷ tập trung vào việc nghiên cứu thế giới thiên biến vạn biến và tìm cách an yên cho tâm hồn bằng sự tĩnh lặng. Nó nhắc nhở chúng ta thế giới này có thể đảo điên và biến chuyển bất định trong khi đời người thì ngắn ngủi và nhỏ bé như một chú tôm trôi giữa đại dương đầy sóng. Vậy làm sao để làm một chú tôm mạnh mẽ, kiên định và nắm quyền kiểm soát sinh – tồn của bản thân? Điều này nằm ở việc kiểm soát tư duy và thế giới quan của mình, tìm cách làm dịu đi cái tôi to lớn luôn gào thét về những sự bất mãn, và tính bồng bột của tâm thức luôn phản ứng với mọi cảm xúc cuồn cuộn thay vì logic và tư duy minh triết.
Mong rằng những Tenet dưới đây sẽ giúp bạn tìm được sự an yên trong cuộc sống cuộn sóng này – Nikki Nguyen.
Memento Mori
“Let us prepare our minds as if we’d come to the very end of life. Let us postpone nothing. Let us balance life’s books each day. . . .The one who puts the finishing touches on their life each day is never short of time.”
Hãy thả hồn mình tự do như thể ta đã đi tới bước cuối cuộc đời. Đừng trì hoãn gì cả, mà tìm cách cân bằng cuộc sống hàng ngày. Kẻ mỗi ngày vun đắp cuộc sống của bản thân sẽ chả bao giờ phí hoài thời gian.
— Seneca, Moral letters, 101.7b– 8a
Khái niệm này xuất phát từ một truyền thống của người La Mã cổ đại – khi chiến đội trở về sau một trận thắng, người người hướng mắt nhìn lên vị đại tướng diễu hành vào thành trước đoàn quân, ông ta đeo vương miện vinh quang và mặc chiếc Toga màu tím cao quý thường dành riêng cho Đế vương, cưỡi chiến xa hoàng kim trong lúc dân chúng reo hò “Io Triumphe!”
Những người phía sau ông thì lại nhận được lời nhắn nhủ “Remember, thou art mortal.” (tạm dịch là: hãy nhớ, các ngày chỉ là phàm nhân sinh-tử như ai).
Chính những sự gợi nhớ này là điều chúng ta cần trong xã hội hiện đại dù trong lòng mong muốn lờ nó đi bao nhiêu! Dù có lừa mình dối người bao nhiêu, chúng ta không thể phủ nhận nó. Dù con tim và cái tôi của chúng ta muốn chạy trốn khỏi thực tại và chui vào cái ổ dễ chịu của sự ảo tưởng để không phải đối mặt với sự thật. Rằng chúng ta rồi sẽ chết. Tôi, bạn, hay người thân của chúng ta và cả những kẻ xấu xa cũng như những người thiện lương.
Những lời gợi nhớ này chính là một phần của khái niệm Memento Mori – sự suy ngẫm về Sinh – Tử. Nhà hiền triết Socrates đã từng nói rằng một triết gia thực thụ là người hiểu “mọi thứ chung quy lại là sự chết dần – rồi chết hẳn” (xin được dịch một cách thô thiển như vậy). Ngay cả trong giáo lý nhà Phật, cũng tồn tại khái niệm Maransati – ghi nhớ về cái chết nói về việc này.
Nhưng ai lại muốn nghĩ về cái chết chứ? Chúng ta đọc về triết học cũng chẳng phải vì muốn SỐNG sao? Sống tốt đồng nghĩa với việc chấp thuận cái chết vì như Âm – Dương, sẽ không có sự sống nếu không có cái chết và ngược lại. Nên thay vì sợ sệt và né tránh, ta nên tiếp nhận cái chết không thể tránh khỏi, và thiền đình với sự sẵn sàng cho sự kết thúc để mỗi ngày mở mắt là một ngày được ban phước, mỗi giây phút được sống là một sự “lãi lời” dù cuộc sống có khó khắn và mệt mỏi tới đâu. Chỉ khi nhìn vào cái chết, ta mới thật sự tự do và vượt lên khỏi sự kìm hãm của nó.
Tập định tâm với cái chết không phải là việc nhìn cuộc đời u ám mà ngược lại nó cho chúng ta một khái niệm “giá sàn” để hệ quy chiếu hoàn thiện hơn và ta tìm được ý nghĩa đích thực của sự sống, hy vọng và cơ hội. Khi ta coi việc thở – việc mở mắt tỉnh dậy vào buổi sáng là nghiễm nhiên thì cuộc sống lúc đó mới thật rẻ rúng. Cái chết không khiến cuộc sống vô giá trị mà nó cho cuộc sống của chúng ta mục đích (vì vậy mới có khái niệm “lẽ sống”, – The Tao).
Khi tôi còn trẻ, không biết vọn vẻn trong mấy năm dậy thì – mới lớn tôi đã nghĩ tới việc muốn chết nhiều hơn toàn bộ thời gian còn lại. Bệnh trầm cảm kinh niên (chronical depression) đã khiến tôi ra ra vào vào viện không biết bao nhiêu lần. Mỗi lần vào là vì muốn chết, mỗi lần ra lại cảm thấy sợ sống. Đó chính là vòng luẩn quẩn của một người không có mục đích sống. Vì cuộc sống ngoài bệnh viện của tôi không khác gì trong viện cả – tù túng, ăn ngủ, bài tiết như một con gà nuôi để giết thịt. Nhưng khi tôi thanh tỉnh vào những năm trưởng thành, tôi thậm chí nhìn cái chết một cách thực tế hơn, một cách sâu sắc hơn – tôi chuẩn bị cho nó. Tôi có một cuốn nhật kỹ chết – theo phép toán của bản thân (tính toán tới sức khỏe, tuổithọ trung bình và khả năng xác suất chết ngu của bản thân tôi tự nghĩ rằng mình còn tầm 17251 ngày nữa để sống và chết khi làm một cụ bà vui vẻ). Mỗi ngày tôi viết một trang – hôm nay có điều gì tuyệt vời xảy ra, tôi học được gì và tôi biết ơn điều gì, và ngày hôm sau lại trừ đi 1 con số. Ban đầu việc nhìn những còn số tụt dần rất gian nan (mặc dù rõ ràng còn rất nhiều ngày để “xé lịch”) nhưng dần dà tôi phát hiện mỗi ngày mình tiêu trọn từng phút giây, thành có – bại có nhưng như thể mỗi ngày bản thân lại “lên bàn” vậy, chờ ngày phá đảo thôi.
“Hãy sống như hôm nay là ngày cuối cùng” là câu sến súa chúng ta chỉ viết trên status mạng xã hội thôi chứ ít người thật sự quán triệt. Lần tới bạn mở mắt thức dậy hãy nhớ rằng “mình vừa được thêm 1 mạng, 24h để sống, 24h để chết”. Nên đừng chần chừ gì cả, tương lại là đây.
Amor Fati
Amor Fati là một câu trong tiếng Latinh với ý nghĩa là “Yêu trọn Vận Mệnh” nó thường được sử dụng để nói về thái độ của chúng ta với những gì xảy đến trong cuộc sống của mình – dù là chua-cay-mặn hay ngọt.
“Demand not that events should happen as you wish; but wish them to happen as they do happen, and you will go on well.“
Đừng cố thay đổi cách mọi sự diễn ra – dù chúng đi trái ý với bạn; thay vào đó hãy trân trọng vì nó đã xảy ra, theo cách mà nó xảy ra.
— Epictetus, Enchiridion, 8
Amor Fati cho chúng ta biết phải học cách YÊU lấy sự sống và những diễn biến của cuộc sống – yêu lấy từng phút giây dù khó khăn muôn vàn thay vì né tránh nó. Yêu là khái niệm khó khăn – mấy khi ai thật sự yêu lấy mình, yêu người? Nữa là YÊU lấy đắng cay trong cuộc sống? Không phải thỏa mãn, không phải cam chịu mà là YÊU.
Khi ta học cách chấp nhận mọi thứ trong cuộc sống của mình là sự thật, là thứ không thay đổi được đó mới chỉ là bước đầu. Hiểu được rằng chúng nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta là bước số 2. Sau đó ta phải thật sự trân trọng và tìm ra lí do chúng xảy ra – tin vào nghiệp quả cũng được, nhưng hãy tin rằng chúng ngoài một chữ “nghiệp” ra thì cũng là hạt giống cho một điều tốt đẹp trong tương lai nếu ta biết vun trồng.
Trong tử vi tôi gặp trường hợp này rất thường xuyên, nhiều người đi xem bói rồi thầy bảo “số bạn đáng nhẽ ra giàu sang, phú quý thành đạt lắm, nhưng tiếc thay gặp phải Tuần Triệt nên mất hết, làm 10 được 7, cuộc đười tù túng”. Nhưng ngược lại khi tôi xem thiên bàn – địa bàn tổng thể của người đó thì sự thật là phần lớn những người “đáng nhẽ ra phú quý thành đạt đó” thường chưa một điểm chí mạng ở những cung còn lại (bệnh tật, sức khỏe cha mẹ, quan hệ vợ -chồng v.v) nếu không có cái Tuần / Triệt ở đó, sợ rằng phần còn lại của cuộc sống họ cũng sẽ chẳng ra gì. Vậy nên tôi thường nói với họ đừng có hận cái tuần – triệt đó, đừng nghĩ ra mình học tài thi phận và cấm có tư tưởng “đáng nhẽ ra” – bởi bạn không biết những mặt khác của mình đã được che chắn như thế nào bởi những gì bạn coi là khó chịu đó đâu. Chúng ta sẽ mãi không biết đươc cái “đáng nhẽ ra” đó nó như thế nào, mệnh như vậy, đời như vậy, ta chỉ biết cái gì trước mắt đã xảy ra, đang xảy ra mà thôi. Hãy học cách yêu lấy nó. Con người khó ưa bạn nhìn thấy trong gương cũng vậy, bạn chỉ có từng đó thôi, đó là bột – dùng nó mà gột nên hồ vì bất cứ sự giãy giụa nào cũng chỉ là trò cáu bẳn vặt vãnh của trẻ nhỏ khi không vừa ý mà thôi.
Premeditatio Malorum
“What is quite unlooked for is more crushing in its effect, and unexpectedness adds to the weight of a disaster. This is a reason for ensuring that nothing ever takes us by surprise. We should project our thoughts ahead of us at every turn and have in mind every possible eventuality instead of only the usual course of events…
Những cú huých không lường trước thường có lực công phá lớn hơn, sự tấn công bất ngờ của chúng tăng sức nặng cho thương đau. Đây là lí do ta cần đảm bảo rằng không gì có thể làm bản thân ngạc nhiên. Hãy nhìn xa hơn, ở mỗi ngã rẽ, hãy chuẩn bị cho mọi sự có thể xảy ra thay vì chỉ mong chờ kết quả thường gặp…
— Seneca
Khái niệm này nói về việc nhìn trực diện vào tất cả những điều tiêu cực từ trước khi chúng xảy ra. Premeditation (nghĩ trước – lường trường) trong trường hợp này không phải là nhìn cuộc đời với sự sợ hãi thường trực. Thay vào đó hãy thẳng thắn với xác suất 50-50 cân bằng những điều tuyệt vời có thể xảy ra và lường cả xác suất của mọi sự tiêu cực. Nó giúp chúng ta làm quen dần với mọi sự dù tốt dù xấu đẻ thật sự có thể Amor Fati. Mọi sự chưa chắc sẽ theo ý muốn của ta, dù mình đã cố gắng hết sức, dù “về mặt lý” thì ta xứng đáng với những thứ tốt hơn. Cuộc đời sẽ luôn ném cho ta những bi hài không tuyến tính như vậy. Nhưng thay vì ngỡ ngàng với kết quả không như ý hãy học cách tập ý niệm:
“Tôi sẵn sàng đối mặt với mọi sự sẽ và có thể xảy ra, tôi sẵn sàng ứng đối với mọi tình hướng và sẽ không mất thời gian vật vã trong những thứ “đáng nhẽ ra”
–Nikki Nguyen
Bằng cách tập nhìn vào thất bại tiềm tàng, chúng ta sẽ trân trọng hơn những kết quả tích cực cũng như không còn bị gông cùm bởi những kết quả không lường trước.
Bản ngã là Kẻ thù
Để làm rõ, tôi mạn phép đổi chữ “bản ngã” thành chữ Tiểu Ngã (Pali: atman) – là kẻ thù vì trong nó ẩn chứa sự giận dỗi của đứa trẻ với cuộc đời, vì nó luôn muốn dối lừa và tạo ra ảo ảnh trong tâm trí về một thế giới không thực – nơi mà mọi thứ phải vận hành theo logic ích kỷ của nó, và chỉ theo nó mà thôi. Và đó chính là kẻ thù của tri thức, của học vấn và của sự khai ngộ. Cái tiểu ngã nung nấu trong mỗi chúng ta luôn coi bản thân là nhất, thế giới là cái đinh. Chúng ta xứng đáng nhiều hơn, phải có được nhiều hơn, và cần nhiều sự tốt đẹp hơn. Xức đáng – có – cần không phải điều xấu, cái chữ “hơn” kia mới là kẻ thù. Cái tôi không chỉ thể hiện ở chữ hơn. Nó còn hiện hữu ở dạng phổ biến hơn ở chữ “bị”. Nó khiến thể giới trở thành kẻ xấu, và cá thể với cái tôi giả – khiêm – nhường thường coi mình là nạn nhân của nhân loại. Chúng ta “bị” – bị coi thường, bị khi dễ, bị ủy khuất, bị ruồng bỏ, bị chèn ép, bị phụ bạc. Người cần cái “hơn” và người không buông nổi cái “bị” đều là người không rèn rũa và phát triển được.
Epictetus đã từng viết “Kẻ nghĩ rằng mình đã thấu là kẻ không thể giáo dục” (dịch ra tiếng hiện đại là loại ngu lâu khó đào tạo). Ta không thể nào nới rộng thế giới quan và tri thức của bản thân nếu mình đã vẹn toàn. Sự kiêu ngạo thông thường thực ra không đáng sợ – nếu bạn nghĩ rằng mình giỏi giang, giàu sang, học vấn đầy mình v.v không đáng sợ bằng việc bạn nghĩ mình ưu việt hơn về mặt đạo đức và tâm linh. Những kẻ viết triết lý giảng đạo trên facebook, các thành phần “hoa rơi cửa phật” mới là những nhóm gặp nguy hiểm (xin tự bỏ bản thân ra khỏi nhóm nay vì tôi đang trích dẫn người xưa thôi haha). Giới trẻ ngày nay có câu nói vô cùng triết học: “Người hay nói đạo lý thường sống như lol”
Thử thách là con đường
Ngược lại với câu trên, nếu như tiểu ngã của chúng ta là kẻ thù thì thử thách chính là con đường cần bước đi.
“The impediment to action advances action. What stands in the way becomes the way.”
Trở ngại của hành động thúc đẩy hành động. Điều cản đường ta sẽ trở thành con đường.
“While it’s true that someone can impede our actions, they can’t impede our intentions and our attitudes, which have the power of being conditional and adaptable. For the mind adapts and converts any obstacle to its action into a means of achieving it.”
Tuy rằng sự thật là ai đó có thể ngăn trở hành động của chúng ta, nhưng họ không thể suy chuyển ý niệm, mục đích và thái độ của chúng ta. Do tâm trí ta có khả năng uyển chuyển biến đội bất cứ cản trở nào thành hành động ứng biến và phương pháp để đạt được mục tiêu
— Marcus Aurelius, Meditations 5.20
Tôi thật sự tin rằng mục đích chúng ta sinh ra trên đời này (sinh vào kiếp người trong lục cõi) để chịu thử thách. Trong các cõi, cõi người là sàn đấu nơi mà mỗi linh hồn khi vượt bàn thành công có thể tìm tới cực lạc. Dù tôn giáo của bạn là Đạo hồi, đạo Do Thái, Đạo Thiên Chúa, Đạo Phật hay đạo Ma Trận (inside joke dành cho những người có gu xem phim cult) sẽ đều có phần nào giáo lý như vậy. Thế giới này được lập nên để thử thách chúng ta và mỗi lần ta đẩy bức tường đá nặng đso, lại có lực cản. Dù mọi người có cố muốn tỏ ra hạnh phúc và thuận lợi như thế nào trên Instagram, Facebook , tôi dám cá là như những chú vịt – tiêu dao, đài các trên mặt nước, sự thực là chúng đạp quãy điên cuồng dưới nưóc. Học vấn, hôn nhân, sự nghiệp v.v không có còn đường nào trải đầy hoa hồng cả. Chúng ta gặp cản trở, chúng ta thất bại, chúng ta bị từ chối, bị sập cửa vào mặt, bị chê trách, bị tùng quẫn. Đó là thực tế của cuộc chơi gọi là cuộc sống này. Nhưng nó không nhất thiết phải là lí do để u sầu. Quan trọng là hãy tự hỏi bản thân nếu cơ hội của mọi người là như nhau, nếu khó khăn được chia đều cho tất cả nhân loại, tôi sẽ chọn hành động như thế nào?
Theo chủ nghĩa Khắc kỷ, người hiền triết sẽ tìm được cách biến những thứ tiêu cực thành tích cực chỉ bằng trí tuệ và nhận thức của anh ta. Cho dù tình huống có khó khăn đến mức nào ta luôn sẽ thấy một con đường , một cơ hội để lật kèo. Hãy thử nghĩ mà xem? Chúng ta có thể chết vì bệnh tật, vì tai nạn và vì ta lựa chọn tự sát – nhưng không ai có thể chết vì KHÓ cả! Ta không thể chết vì trượt đại học, vì phá sản, vì nợ nần cả. Ta chết vì ta chọn chết. Nên chỉ cần bạn chọn sự sống thì sẽ có một con đường.
Sympatheia
“Meditate often on the interconnectedness and mutual interdependence of all things in the universe. All things are mutually woven together and therefore have an affinity for each other—for one thing follows after another according to their tension of movement, their sympathetic stirrings, and the unity of all substance.”
Hãy tư duy (thiền định) về sự liên kết của mọi vật trong thế giới này, về mối liên kết và tính phụ thuộc giữa vạn vật trong vũ trụ rộng lớn. Mọi thứ trong thế giới này được đan kết từ đó tạo nên mối quan hệ, sự thống nhất và diễn tiếp của mọi vật…
—Marcus Aurelius, Meditations, 6.38
Những ai biết tôi thân quen chắc hiểu sự cuồng học của tôi đối với thuyết vạn vật – dưới góc nhìn của Kinh Dịch, triết học, Toán học và khoa học lượng tử. Vì vậy khái niệm Sympatheia trong chủ nghĩa Khắc kỷ như một sự tìm ra mối giao thoa giữa tôn giáo và các trường phái tư duy về vũ trụ quan. Sympatheia nói về mối tương quan vô hình giữa TẤT CẢ mọi thứ trong vũ trụ này, nếu nói dưới góc nhìn của Đạo Gia và kinh Dịch thì nó là việc bỏ đi lăng kính thế giới nhị nguyên để tiến tới Thế giới nhất nguyên nơi tất cả là 1. Điều này có thể được tìm thấy trong viết lách của tất cả những nhà triết gia nổi trội của Stoicism từ Aurelius, Seneca, Epictetus v.v
Để nói về chủ đề này chắc phải mất thêm mấy nghìn chữ nữa nên xin kết thúc ở đây với lời nhắn nhủ, thé giới rộng lớn này vĩ đại thì vĩ đại, nhưng là một quần thể của tất cả những cái hiện hữu, những cái có cũng như không có. Và kết cấu của xã hội, hay vũ trụ, nhân loại hay toàn vạn vật là một thể thống nhất – vì thế chú tôm bé nhỏ như chúng ta vĩ đại vô cùng, và cũng thực nhỏ bé vô cùng.
Lời kết: Dù trong đầu toàn là mứt, hãy làm một chút tôm có trí tuệ! Vì ta là một phần của thế giới vĩ đại, cho dù nhiều lúc thế giới quá đảo điên và nhiều bão tố. Chúc mừng năm mới!
(578)